Nghịch cảnh 1 trọng tài FIBA duy nhất của bóng rổ Việt Nam

Nguyễn Hoàng
thứ hai 1-3-2021 18:30:03 +07:00 0 bình luận
Sau nhiều năm phát triển bóng rổ với những mục tiêu rất to lớn, rốt cuộc bóng rổ Việt Nam đang hiện rõ những lỗ hổng khó xử lý.

Cuối năm 2019 tại Philippines, người hâm mộ bóng rổ Việt Nam nói về sự tự hào khi chứng kiến trọng tài Triệu Chí Thành làm việc tại SEA Games 30. Thế nhưng đó lại là dấu ấn chuyên môn rất hãn hữu mới xuất hiện, bởi suốt từ những năm tỏ rõ sự quyết tâm phát triển đến giờ, bóng rổ Việt Nam chỉ có duy nhất một trọng tài FIBA.

Nếu như bóng đá Việt Nam có 5 trọng tài, 10 trợ lý đạt chuẩn FIFA, bóng chuyền có từ 4-5 trọng tài đạt chuẩn quốc tế, thì bóng rổ lại đang là một trong những môn thể thao ít trọng tài đạt chuẩn nhất!

Sau nhiều năm, bóng rổ Việt Nam vẫn chỉ có duy nhất ông Triệu Chí Thành đạt chuẩn FIBA

Ý nghĩa của những buổi tập huấn, đào tạo là đến đâu? Nó có thực sự hiệu quả hay cũng chỉ là cách khoả lấp những trang giấy số liệu?

"Thứ nhất công tác quản lý, phân công, điều hành trọng tài trong hoạt động chuyên môn. Thứ hai: tính minh bạch, nhất quán của công tác đào tạo trọng tài (tiêu chuẩn, phân cấp, thực hiện theo tiêu chuẩn, phân cấp).

Trong năm 2020 cũng là sự thể hiện rất rõ của công tác quản lý điều hành TT của VBF, sự can thiệp của TTK vào hoạt động trọng tài (VBA 2020) và phân công nhân sự phụ trách không đúng chức năng nhiệm vụ trong Liên đoàn.

Vai trò của Trưởng ban trọng tài rất mờ nhạt, không được tôn trọng và đôi khi không được phân công tham gia các hoạt động đào tạo, đánh giá trọng tài.

Vấn đề trọng tài của VBF cho thấy rất nhiều sự bất cập

Những vấn đề này là những nét bút hỏng vẽ nên một bức tranh tệ hại của trọng tài nói riêng và hội đồng chuyên môn nói chung từ 2016 đến giờ," một thành viên trong Liên đoàn bóng rổ Việt Nam chỉ ra những vấn đề tồn đọng.

Theo tìm hiểu từ năm 2016 đến nay, việc thi trọng tài FIBA đã trở nên tối giản và dễ tiếp cận hơn rất nhiều. Nếu thực sự có kế hoạch tốt, bóng rổ Việt Nam đáng nhẽ phải có từ 3-5 trọng tài FIBA, nhưng đáng buồn là sau 5 năm trời, con số này vẫn chỉ có duy nhất 1.

Trên thực tế công tác đào tạo trọng tài lỏng lẻo với rất nhiều bất cập đã khiến VBF phải trả giá. Gần như không có giải đấu nào trọng tài không mắc lỗi, trình độ chuyên môn của nhiều trọng tài quốc gia không đáp ứng được diễn biến trận đấu.

Khi sự phát triển trở nên mất đồng đều, hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng. Chỉ thật khó hiểu là sau từng đấy năm trời, VBF vẫn buông lỏng công tác quản lý trọng tài tới bao giờ?

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm