Giờ trôi - đặc sản của bóng rổ học sinh

Minh Hiếu
thứ ba 12-1-2021 14:15:42 +07:00 0 bình luận
Mỗi giải đấu đều có một đặc trưng rất riêng, không lẫn với các giải đấu nào. Với bóng rổ học đường tại Việt Nam, khái niệm giờ trôi đã quen thuộc.

Khác với bóng đá, bóng rổ là môn thể thao tính theo giờ bóng lăn, tức là chỉ khi nào bóng trong cuộc mới tính giờ, còn mỗi khi bóng ra khỏi đường biên, phạm lỗi ... (còn gọi là bóng chết) thì đồng hồ sẽ dừng. Vậy nên dù thời gian quy định thi đấu là 40 phút, nhưng thực tế các trận đấu tiêu chuẩn có thể kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ.

Giờ trôi luôn là vấn đề nhức nhối tại các giải học sinh. Ảnh: Minh Hiếu

Nhưng đó không phải là câu chuyện của bóng rổ học đường tại Việt Nam. Tại các giải đấu bóng rổ học sinh, Ban tổ chức luôn quyết định trận đấu sẽ diễn ra theo giờ trôi. Nói cách khác, khoảng thời gian ném phạt, bóng ra biên, thậm chí là hội ý đều được tính vào thời gian thi đấu.

Vậy nên mới có chuyện đội bóng đang dẫn điểm ở cuối trận quyết định hội ý 2-3 lần liên tiếp ở cuối trận, tương đương với việc trừ đi 2-3 phút thi đấu, để gia tăng cơ hội chiến thắng. Nhiều lúc huấn luyện viên xin được hội ý, vừa hội ý xong thì hết hiệp.

Hội ý cũng có thể là một cách câu giờ tại giải Học sinh. Ảnh: Minh Hiếu

Mỗi đội có 5 quyền hội ý trong cả trận. Nếu cả hai đội đều sử dụng hết quyền time-out trước khi bước vào phút thi đấu cuối cùng, các cầu thủ học sinh coi như mất luôn khoảng thời gian thi đấu tương đương với 1 hiệp. Không ngạc nhiên khi mỗi trận đấu của giải học sinh chỉ kéo dài trong một tiếng đồng hồ.

Những năm gần đây, giải học sinh thường được tổ chức theo thể thức đấu loại trực tiếp, dẫn tới việc có những đội chỉ được đấu một trận là đã bị loại. Như vậy, non nửa các đội bóng dự giải tập luyện cả năm chỉ để được thi đấu 1 tiếng đồng hồ.

Nhiều đội bóng chỉ được chơi 1 tiếng đồng hồ trong suốt cả giải đấu. Ảnh: Minh Hiếu

Chắc chắn Ban tổ chức không muốn tổ chức giải đấu theo cách đó, nhưng họ khó có thể làm gì khác. Phong trào bóng rổ ngày càng phát triển, các đội bóng đăng ký tham dự ngày càng đông, quỹ thời gian ngày càng eo hẹp, trong khi ngân sách tổ chức lại không đuổi kịp quy mô.

Năm ngoái, Giải học sinh Thành phố Hà Nội thu hút tới 170 đội bóng tham dự. Năm nay, số lượng đội THCS đã được giới hạn chỉ còn 2 đội mỗi quận, nhưng vẫn có tới 168 đội thi đấu. Chỉ riêng việc xếp lịch thi đấu cho toàn bộ các trường cũng đã là một sự khó khăn.

Các cầu thủ học sinh xứng đáng được thi đấu ở những môi trường bớt khắc nghiệt hơn. Ảnh: Minh Hiếu

Nhưng khó khăn hơn là thời gian thi đấu chỉ được giới hạn trong đúng 20 ngày. Tổng cộng có tới 196 trận đấu, tính nhanh cũng thấy được mỗi ngày sẽ có khoảng 9-10 trận diễn ra. Nếu không thi đấu theo giờ trôi, Ban tổ chức không tài nào có thể đưa giải về đích kịp thời.

Dù sao, người thiệt thòi nhất vẫn là các em học sinh, những người đã bỏ ra không biết bao nhiều mồ hôi, nước mắt cho một lần bước ra sân đấu của mùa giải cam danh giá. Rõ ràng các em xứng đáng được góp mặt trong một mùa giải ít khắc nghiệt hơn như hiện tại.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm