Bóng rổ phát triển như vũ bão nhưng Liên đoàn vẫn... giậm chân tại chỗ?

Phạm Phương
thứ năm 20-5-2021 14:15:04 +07:00 0 bình luận
Liên đoàn bóng rổ Việt Nam - VBF có xuất phát điểm tốt, với những điều kiện thuận lợi và những thành viên có tâm, có tầm nhưng sau nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ?

Những năm gần đây, bóng rổ là một trong những môn thể thao có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam! Từ những lợi ích thể chất, sự văn minh và xu hướng tây hoá, cho tới màn ra mắt hào nhoánh của Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam VBA giúp trái bóng cam được hồi sinh mạnh mẽ.

Chỉ trong 5 năm, số lượng người chơi bóng rổ tăng vọt, những trung tâm dạy bóng rổ mọc lên như nấm từ giá rẻ tới cao cấp, từ thầy nội tới thầy ngoại, giúp phong trào ngày càng len lỏi tới từng tỉnh thành.

VBA tạo sức hút rất lớn giúp bóng rổ Việt Nam hồi sinh

Sự phát triển rất nhanh ấy cần phải ghi nhận VBA với vai trò một đầu kéo cho bóng rổ Việt Nam, như Phó Chủ tịch VBF - ông Đặng Hà Việt chia sẻ. Thế nhưng cần phải hiểu rõ rằng VBA không phải là giải đấu do VBF đứng ra tổ chức!

Trên thực tế, VBF trao quyền cho một công ty bên ngoài đứng ra tổ chức VBA, và gần như các thành viên trong ban chấp hành liên đoàn đều không nắm rõ về VBA. Có thể nói rằng vai trò của VBF đối với giải đấu này là rất mờ nhạt, và trong bức tranh tổng thể của bóng rổ Việt Nam cũng vậy!

"Chúng ta bây giờ không thể xây dựng nền rồi mới xây dựng ngọn, vì việc đó chúng ta cần đến vài chục năm để có một giải đấu chất lượng như bây giờ. Chúng ta cần làm một đầu kéo trước để mọi người biết tới bóng rổ, sau đó tạo ra các chương trình phát triển.

Liên đoàn bóng rổ Việt Nam vừa kí hợp tác với Bộ Giáo dục để triển khai chương trình bóng rổ học đường, cam kết hàng năm tạo ra trên 1.200 - 2.000 câu lạc bộ bóng rổ học đường ở các bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở", ông Đặng Hà Việt chia sẻ!

Phó Chủ tịch VBF - ông Đặng Hà Việt

Phải thừa nhận rằng sau 5 năm, bóng rổ Việt Nam phần nào đã xây dựng được phần ngọn, nhưng phần gốc thì không biết bao giờ mới vun trồng? Không nhìn đâu xa, giải bóng rổ học sinh Hà Nội sau bao năm vẫn vậy!

Để tổ chức cho nhanh và gọn! Giải đấu quy tụ hàng trăm trường học trên địa bàn Thủ đô, nhưng diễn ra trong vỏn vẹn chục ngày với thể thức thi đấu loại trực tiếp. Một đội bóng học sinh tập luyện cả năm trời nhưng chỉ được đánh 1 trận nếu như thua ở ngay lần đầu tiên ra sân.

Việc tạo ra 1.200 tới 2.000 CLB ở cấp độ bóng rổ học đường sẽ có ý nghĩa gì khi không có giải đấu, không có sân chơi cho các em? Trong khi việc các đơn vị bên ngoài muốn thực hiện điều đó thì gặp mớ bòng bong về thủ tục!

Không chỉ bóng rổ học đường, thực tế thì số lượng các giải đấu nhìn đi nhìn lại chẳng có thay đổi, không chỉ từ cấp độ học sinh mà môi trường chuyên nghiệp cũng vậy. Hàng năm VBF vẫn chỉ tập trung vào giải Vô địch Quốc gia, giải Trẻ Quốc gia nhưng hiếm năm nào diễn ra trọn vẹn. Địa điểm thi đấu thường không hoàn thiện, câu chuyện trọng tài cũng luôn nhức nhối.

Bóng rổ nữ không có đội tuyển 5x5 tại SEA Games 2019

Ngoài ra vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên các thành viên tham gia phát triển bóng rổ trong nước cũng rất mờ nhạt. Bóng rổ nữ thiếu sự quan tâm đúng mức khiến các cô gái luôn phải chật vật tìm sân chơi. Yên Bái là một ví dụ điển hình khi địa phương này từng có thời gian thống trị bóng rổ nữ rồi biến mất trong im lặng.

Câu chuyện bóng rổ Yên Bái cũng là điển hình cho nhiều địa phương khác trên cả nước như Hải Phòng, Quảng Trị, Sơn La, Nghệ An,... Phong trào phát triển, có nhiều người tài và tâm huyết nhưng không được Sở ban ngành quan tâm, trong khi VBF cũng bỏ mặc!

Vấn đề của VBF thực tế cũng giống như 40 Liên đoàn - Hiệp hội thể thao tại Việt Nam, đó là hệ thống quản lý mang tính xã hội hoá, có những thành tích đáng ghi nhận nhưng cũng có những vấn đề nan giải.

Hiện tượng cục bộ và sự quản lý mang nặng tính nhà nước phần nào kìm hãm sự phát triển như vũ bão của chính bộ môn này. Cùng với đó các thành viên trong ban chấp hành cũng không tìm được tiếng nói chung, những tranh cãi đấu đá tồn tại nhiều năm không thể giải quyết, có những vấn đề như chuyện phong cấp VĐV thậm chí còn trở thành câu chuyện kiện tụng, đưa lên cả mặt báo pháp luật...

Đã đến lúc VBF cần tháo những nút gỡ để bóng rổ Việt Nam vươn mình

Trong mục tiêu phát triển bóng rổ của Việt Nam, VBF luôn đề cao bóng rổ phong trào, phát triển sâu rộng từ gốc đến ngọn, nhưng trên thực tế vai trò của Liên đoàn là mờ nhạt! Ngoài thành viên Liên đoàn bóng rổ Tp.Hồ Chí Minh có tiềm lực và phát triển một cách bài bản, thì những địa phương khác rất khan hiếm sân chơi.

Không giống những Liên đoàn khác, VBF có xuất phát điểm rất lợi thế khi nhiều thành viên là những người yêu và từng chơi bóng rổ, họ có tâm, có tầm nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là câu chuyện nội bộ và hành chính nhà nước hoá. Những nút thắt ấy cần được tháo gỡ thì bóng rổ mới thực sự vỗ ngực tự tin là môn thể thao số 2 tại Việt Nam.

>>> Sự thật ”giật mình” phía sau 40 Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia

>>>: Bi hài chuyện thực hiện quyền và nghĩa vụ của các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao quốc gia 

>>> Hoạt động của các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao Thái Lan với sự tham gia như thế nào của những tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp?

>>> Hiệp hội / Liên đoàn thể thao Quốc gia các nước hoạt động như thế nào?

>>> Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Các Liên đoàn - Hiệp hội đang tụt hậu hàng thập kỷ

>>> Làm gì để “giải cứu” các Liên đoàn - Hiệp hội thể thao quốc gia?

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm