Như đa số môn thể thao khác, bóng rổ dành cho phái yếu không thực sự được quan tâm tại Việt Nam vì rất nhiều lý do khác nhau, nhưng không vì thế tình yêu trái bóng cam của các cô gái bị mờ nhạt. Trên khắp dải đất hình chữ S phong trào bóng rổ nữ cũng đang phát triển từng ngày.
Sự phát triển của bóng rổ nữ tại Việt Nam
Khi VBA ra đời vào năm 2016, phong trào chơi bóng rổ tại Việt Nam bắt đầu sôi động lên từng ngày. Không chỉ dành cho nam, trái bóng cam cũng len lỏi vào suy nghĩ của các cô gái.
Có rất nhiều lý do để các bóng hồng lựa chọn bóng rổ thay vì các môn thể thao khác, thứ nhất đó là môn thể thao vừa bộc lộ được cá tính của bản thân vừa đề cao tinh thần đồng đội. Hơn nữa phong cách thời trang, sự hiện đại của bóng rổ cũng phù hợp với các bạn nữ đang ở độ tuổi trưởng thành.
Đó là lý do các sân chơi bóng rổ phong trào từ những thành phố lớn như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng cho tới những địa phương nhỏ hơn như Yên Bái, Cần Thơ, Thái Bình,... đều chứng kiến sự phát triển ổn định của bóng rổ nữ.
Các giải đấu học sinh cũng chứng kiến số lượng đội bóng nữ tăng vượt bậc hàng năm, đó là tín hiệu tích cực cho thấy bóng rổ phong trào nữ tại Việt Nam có những tính hiệu tích cực.
Những khó khăn và thách thức
Dù phát triển rất tốt về mặt phong trào tuy nhiên việc tiếp nối lên chuyên nghiệp của bóng rổ nữ lại gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến tư duy của các bậc phụ huynh không muốn con mình, nhất là con gái theo thể thao chuyên nghiệp.
Đối với cha mẹ việc cho con chơi bóng rổ chỉ là để tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khoẻ, còn việc thi đấu chuyên nghiệp vẫn tiềm ẩn những rủi ro rất lớn như chấn thương, mức thu nhập không đảm bảo,...
Cũng vì vậy các đội bóng nữ chỉ hoạt động đa phần theo mô hình không chuyên, tự bỏ tiền túi tập luyện và thi đấu với nhau, điều các cô gái cần là sân chơi nhưng gần như không có.
Nếu nhẩm đếm, giải đấu dành cho nữ chưa đầy số ngón trên một bàn tay. Các giải đấu chính thức của Liên đoàn bóng rổ Việt Nam chỉ có giải Vô địch Quốc gia, giải Trẻ Quốc gia, ngoài ra 4 năm một lần có Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Audi Cup mà tiền thân là giải miền Bắc mở rộng cũng đã bỏ nội dung nữ trong lần tổ chức gần nhất.
Tại SEA Games 30 Philippines đội tuyển Việt Nam cũng chỉ có đội tuyển 3x3 dành cho nữ. Những điều trên cho thấy mức độ quan tâm và đầu tư cho bóng rổ nữ vẫn còn nhiều hạn chế.
Đó là lý do chỉ có ít tỉnh đầu tư bài bản cho bóng rổ nữ, gần như chỉ có những gương mặt quen thuộc là Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Cần Thơ liên tục chạm trán nhau ở các giải đấu Quốc gia.
Cơ hội nào cho bóng rổ nữ Việt Nam
Với rất nhiều khó khăn như vậy nhưng không có nghĩa bóng rổ nữ bị VBF bỏ rơi! Với nguồn lực đầu tư từ xã hội hoá, đội tuyển nữ Việt Nam nhiều khả năng sẽ thi đấu tại SEA Games 31 ở cả 2 nội dung 3x3 và 5x5.
Để nhận được sự quan tâm và đầu tư của các cấp, rõ ràng mực tiêu quan trọng của bóng rổ nữ Việt Nam là có được thành tích tại đấu trường này, đó là bài toán khó nhưng không phải không có lời giải!
Với những gì đã thể hiện tại SEA Games 30, các cô gái vẫn cho thấy những tín hiệu lạc quan, nếu đầu tư và tập luyện một cách bài bản các cô gái có thể gặt hái được ít nhất là một tấm huy chương Đồng.
Và nếu học theo đội tuyển nam bằng cách bổ sung nguồn lực Việt kiều một cách hợp lý, đội tuyển nữ Việt Nam thậm chí đặt mục tiêu vào tới trận Chung kết.
Tuy nhiên để đầu tư cho bóng rổ nhất là bóng rổ nữ cần một chặng đường dài hơi và quan trọng hơn là việc phát triển trẻ để tìm kiếm sự kế thừa. Để làm được điều đó cần hơn hết các giải đấu từ không chuyên tới chuyên nghiệp giúp họ cọ xát và theo đuổi đến cùng trái bóng cam.