Lễ bế mạc diễn ra vào tối ngày 17/5 tại khu tổ hợp Morodok Techo đã chính thức khép lại SEA Games 32. Đoàn thể thao Việt Nam thành công rực rỡ với vị trí đứng nhất toàn đoàn, dẫn đầu cả về số huy chương vàng lẫn tổng số huy chương.
Môn bóng rổ cũng có chiến tích lịch sử với tấm huy chương vàng đầu tiên tại đấu trường SEA Games từ nội dung 3x3 nữ. Tuy nhiên ở các nội dung thi đấu còn lại, bóng rổ Việt Nam đều không để lại dấu ấn nào đặc biệt.
Thực chất bóng rổ không có mục tiêu về số huy chương ở SEA Games 32. Nhưng đội tuyển Việt Nam trong các nội dung 3x3 nam, 5x5 nam và 5x5 nữ đều không có thứ hạng tốt.
BÓNG RỔ 3x3 NỮ VIỆT NAM: CHỦ NHÂN CỦA TẤM HUY CHƯƠNG LỊCH SỬ
Không có lời nào đủ để diễn tả những gì đội tuyển bóng rổ nữ 3x3 Việt Nam đã làm được. Huy chương vàng chính là thành tích tốt nhất của bóng rổ Việt Nam trong nhiều năm tham dự SEA Games. Mọi thứ còn ý nghĩa hơn khi biết rằng cả 4 cô gái vàng đều gặp vấn đề trước và trong giải đấu.
Đội trưởng Huỳnh Ngoan và Tiểu Duy dính chấn thương bao gồm quá tải đầu gối, đau gót chân và căng gân kheo. Trong khi đó, cặp song sinh Trương Thảo My và Trương Thảo Vy phải chịu nỗi đau mất người thân đúng 1 tuần trước khi SEA Games 32 bắt đầu.
Cả hai chị em dù đã cân nhắc việc bỏ thi đấu để lo việc gia đình, nhưng sau cùng đã nén nỗi đau về tinh thần để chiến đấu. Hình ảnh cả bốn cầu thủ đổ gục, đặc biệt là giọt nước mắt của Thảo Vy sau pha ghi điểm mang về tấm huy chương vàng như lấy trọn tình cảm của người hâm mộ.
Cũng từ chiến tích lịch sử này, đội tuyển bóng rổ 3x3 nữ Việt Nam đã tạo nên sức hút lớn chưa từng thấy. Cả bốn cầu thủ được săn đón nhiệt tình bởi giới truyền thông và người hâm mộ. Điều này còn lan toả sang cả đội nữ 5x5, nơi có bộ tứ cầu thủ thi đấu.
BÓNG RỔ 5x5 NỮ VIỆT NAM: HAI THẤT BẠI ĐÁNG TIẾC NHẤN CHÌM GIẤC MƠ HUY CHƯƠNG
Diễn ra ngay sau nội dung 3x3, đội tuyển bóng rổ nữ 5x5 có được sự quan tâm khá lớn của người hâm mộ. Tiếc rằng lịch thi đấu tương đối nặng và thể thức đánh vòng tròn đã không mang lại lợi thế cho thầy trò HLV Michael Olson.
Trận mở màn cũng là trận mà ĐTVN chơi hay nhất, nhưng một chút thiếu may mắn đã khiến những cô gái Việt Nam thua đau ĐT Indonesia với cách biệt 5 điểm (tỷ số 67-62). Đây là trận mà trụ cột Trương Thảo Vy bị chân thương đầu ngay thời điểm quan trọng.
Lần ra sân kế tiếp chứng kiến Nguyễn Thị Tiểu Duy cùng Trương Thảo Mỹ toả sáng, đưa đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam đến chiến thắng ngược dòng cảm xúc trước Thái Lan. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tham dự SEA Games, bóng rổ Việt Nam đánh bại được người Thái ở nội dung 5x5.
Nhưng rồi những đôi chân đã bị đưa trở lại mặt đất bằng thất bại bất ngờ trước Malaysia, đội tuyển bị đánh giá thấp hơn so với Việt Nam. Cách biệt của trận thua này cũng rất nhỏ, tỷ số 76-72. Cả hai trận thua Việt Nam đều có cách biệt dưới 5 điểm, con số bằng đúng 2 pha tấn công.
Hai thất bại đáng tiếc này đã khiến thầy trò HLV Michael Olson buộc phải đánh bại Philippines để có huy chương. Kịch bản ấy đã không xảy ra khi những cô gái Philippines ném vào tay cả trận, thực hiện thành công đến 18 quả 3 điểm.
Đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam hoàn tất nội dung 5x5 với hạng tư chung cuộc, để thua đúng 3 đội giành 3 tấm huy chương SEA Games.
Cay đắng cho ĐTVN là ngay ở trận mở màn, họ đã có thể đánh bại Indonesia nếu may mắn hơn, đội bóng này sau đó đã đoạt huy chương vàng với thành tích bất bại.
Hạng tư cũng là thành tích của đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam ở SEA Games 31, cú giậm chân tại chỗ mang đầy sự tiếc nuối cho ban huấn luyện và toàn bộ cầu thủ.
KẾT
So với nam, đội tuyển bóng rổ nữ Việt Nam được đặt kỳ vọng lớn hơn nhờ sự trở lại của chị em Trương Twins. Sự hứng thú còn tăng cao khi đội 3x3 vô địch Asia Tour 2023, một giải đấu giao hữu tiền SEA Games với nhiều CLB chuyên nghiệp trong khu vực.
Cuối cùng chính đội tuyển 3x3 nữ Việt Nam đã làm nên kỳ tích. Họ vừa đổi màu huy chương thành công, vừa “phục thù” thành công Thái Lan ở trận chung kết tại sân Thanh Trì năm 2022. Nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn và bị xen lẫn bởi sự tiếc nuối với vị trí hạng 4 của nội dung 5x5.
Mặc dù vậy, kết quả này chỉ đáng tiếc chứ không gây thất vọng. Ai cũng biết rằng đội tuyển cần một trung phong thực thụ, một nhân tố nổi bật (có thể từ nguồn cầu thủ nhập tịch hoặc Việt kiều) để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực.
Hai thất bại sít sao mà Việt Nam phải nhận trước Indonesia và Malaysia đều đến do không có người đọ sức với trung phong đối thủ. Nếu Indonesia có trung phong nhập tịch Kimberley Pierre-Louis có (dòng máu Canada) thì Malaysia có Kalaimathi Rajintiran, VĐV cao 1m85 mang dòng máu Ấn Độ.
Điểm cần cải thiện đã được thể hiện rất rõ. Giờ đây người hâm mộ sẽ chờ đợi một nước đi táo bạo đến từ Liên đoàn bóng rổ Việt Nam. Họ hy vọng vào quyết định mang một trung phong nhập tịch hoặc Việt kiều về nước, hướng đến mục tiêu nâng tầm đội tuyển ở các giải đấu tiếp theo.
(Kỳ 2: Khó khăn về lực lượng và hồi chuông cảnh tỉnh cho bóng rổ nam)