Xem World Cup ở ngôi chùa cưu mang gần 400 phận đời “lạc trôi”

thứ hai 25-6-2018 11:29:38 +07:00 0 bình luận
Những phận người vì biến cố xã hội “lạc trôi” giữa dòng đời về cư ngụ ở ngôi chùa Đức Sơn (Thừa Thiên Huế). Ở chốn thanh tịnh, họ vẫn tận hưởng không khí World Cup 2018 như hàng triệu người khác.

Những phận người vì biến cố xã hội "lạc trôi" giữa dòng đời về cư ngụ ở ngôi chùa Đức Sơn (Thừa Thiên Huế). Ở chốn thanh tịnh, họ vẫn tận hưởng không khí World Cup 2018 như hàng triệu người khác.

18h30 ngày 23/6, chỉ còn 30 phút nữa, trận đấu giữa Bỉ và Tunisia sẽ diễn ra. Một chiếc xe hàng chở mùn cưa để làm nấm sò sà đến, khoảng 7-8 thanh niên trạc 16-20 tuổi nhanh nhẩu nhảy lên xe, vác từng bao rồi vứt xuống nền. Những bao chất thành đống, ngổn ngang. Nhiều bao bị rách, mùn cưa văng ra, bụi mịt mù.

Tất cả đều rất khẩn trương khi trái bóng Telstar18 sắp lăn. Cùng lúc đó, ở khuôn viên nhà bếp, những em nhỏ mỗi người một việc, nhanh tay vơ vội chiếc đũa, cái muỗng, cái bát kịp rửa. Những đống chén bát được xếp dọn một cách ngay ngắn. Đó là tấm "giấy thông hành" trước khi các em được xem World Cup 2018.

Thanh loạn cùng World Cup

"Cửa chùa là nơi thanh tịnh nhưng khi đã yêu thương các em, chúng tôi chấp nhận thanh loạn. Tức có nhiều âm thanh, vừa hát ca, vừa vui đùa, vừa học bài, vừa tụng kinh như một bản hòa tấu.

Nếu cứ bắt các em im lặng thì sẽ ức chế, trầm cảm và bản thân các sư cô cũng bị bệnh theo. Mình không thể đưa vào khuôn phép mà phải dung hòa để tồn tại", sư cô Minh Tú, trú trì chùa Đức Sơn, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên Huế) chia sẻ.

Những đứa trẻ thả hồn vào World Cup với sự tất bật, tranh thủ cùng niềm vui vô bờ bến. "Các em hoan hỉ, thèm khát lắm. Sự thích thú đó kích thích các em học tập, vui chơi", sư cô Minh Tú giãi bày.

Xem World Cup ở ngôi chùa cưu mang gần 400 phận đời “lạc trôi” - Ảnh 2.

Ánh mắt trong trẻo của những phận đời được cưu mang ở chùa Đức Sơn. Ảnh: Trần Khánh

Đang ngóng theo từng đường bóng, một số em "buộc" phải gác lại trận đấu để tập múa bởi đó là nếp sinh hoạt thường ngày. Vào mùa World Cup, các em cũng được du di về thời gian, một số hoạt động nhằm thưởng thức bóng đá trọn vẹn. Còn với các sư cô thì "tu trong động, các em động nhưng sư không động là được".

Không chỉ xem các trận đấu ở khung giờ 7 giờ tối, các em còn được "xả trại" để theo dõi những trận muộn hơn. Sư cô Minh Tú giãi bày: "Các em nam được chơi thoải mái bởi không cho thì các em sẽ ra đường đi chơi, dễ hư hỏng. Khi chơi trong một tập thể, gia đình với nhau, các sư mới yên tâm. Các sư còn phục vụ thức ăn, nước uống để đảm bảo sức khỏe. Những đứa trẻ thích bóng đá nên được tôn trọng cũng giống như các sư thích gõ mõ, tụng kinh, ngồi thiền, làm việc thiện vậy".

Các em thiếu tình thương cha mẹ và World Cup đến là dịp để bù đắp phần nào nỗi đau cuộc đời

_ Trụ trì chùa Đức Sơn, sư cô Minh Tú

Khuôn mặt trong trẻo lẫn sự bẽn lẽn, Cù Thiện Bảo Chơn (11 tuổi) hồ hởi: "Em rất thích đội tuyển Anh vì có tiền đạo Harry Kane. Anh ấy ghi bàn rất giỏi. Ở kỳ World Cup này, em xem hết những trận lúc 7 giờ tối còn những trận 10 giờ tối và 1 giờ sáng, em chỉ chọn một vài trận để xem. Em mong sao lớn lên sẽ đá bóng hay như các anh trên tivi".

Chuẩn bị lên lớp 8 song Nguyễn Hưng Quân nhỏ nhắn như cậu bé mới lớp 2. Thế nhưng, em chưa một ngày từ bỏ giấc mơ trở thành cầu thủ bóng đá. "Em rất mê bóng đá và mơ ước sau này sẽ đá bóng hay như anh Công Phượng, Xuân Trường". Chỉ mới lớp 3, ấy thế, Cù Bảo Thiện hứng thú khoe: "Em cũng đã xem được 15 trận ở World Cup này rồi. Em cũng không lo nhiều về sức khỏe vì em mê lắm".

Xem World Cup ở ngôi chùa cưu mang gần 400 phận đời “lạc trôi” - Ảnh 4.

Các em cũng như tất cả hàng triệu con tim yêu trái bóng tròn, đều tận hưởng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh này.

Nụ cười của những "nạn nhân" cuộc đời

Ngôi cổ tự nằm bên hông của lăng Vua Minh Mạng là nơi cưu mang gần 400 phận đời mỏng manh giữa dòng đẩy xã hội. 

"Hiện có 150 em đang ở chùa và hơn 200 em đã ra hòa nhập cộng đồng. Lứa trẻ đầu tiên do hậu quả chiến tranh, bố mẹ các em bị tai nạn bom mìn, tiếp đến bị bệnh tật, ung thư, chất độc màu da cam hay tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp và tai nạn đáng tiếc nhất là tình yêu. Các đôi lứa bỏ rơi các em tội nghiệp lắm", sư cô Minh Tú trải lòng.

Không bố mẹ, người thân chối bỏ bằng cách tìm đến cổng chùa. Rất nhiều đứa trẻ cũng chỉ mới lọt lòng, chưa từng ngấn ngụm sữa mẹ đã bị vứt bỏ chốn thanh tịnh. Cuộc đời đã bất hạnh, vốn chịu nỗi đau quá lớn khi chỉ là trẻ sơ sinh. Các em như những "nạn nhân" của xã hội được giang rộng vòng tay để hòa nhập, yêu thương.

"Các em đến thì phải bảo đảm đời sống, cố gắng tìm mọi nguồn sữa an toàn nhất. Nhờ vào tấm lòng thơm thảo của bà con, hiểu được việc làm, chia sẻ cùng nhau để có nguồn dinh dưỡng, giúp trẻ chóng lớn. Từ đó, các em mới lớn khôn, biết đi, biết chạy, vui chơi. Các em cũng được tạo điều kiện luyện tập võ thuật, múa hát để có sự sảng khoái, tập bơi lội để tránh đuối nước", sư cô Minh Tú chia sẻ.

Tránh tai họa World Cup

Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, những phận đời vốn trúc trắc ngay từ bé luôn được tạo mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần. World Cup về là cơ hội để tất cả thỏa mong ước. "Các em xem rồi la hét, tỏ vẻ thích thú, các sư cũng vui theo. Bởi vì các em hòa mình trong sự vui đùa là được.

Xem World Cup ở ngôi chùa cưu mang gần 400 phận đời “lạc trôi” - Ảnh 6.

Harry Kane là ngôi sao mà những đứa trẻ ở chùa Đức Sơn yêu thích.

Các trận khuya vẫn để mấy em xem rồi ngày mai bù giờ lại bởi đó là sự thèm khát của trẻ thơ, nhất là khi mỗi lần ghi bàn, các em reo hò vui lắm. Khi cúp điện, các em không chịu nổi, bằng mọi cách sẽ chạy ra ngoài nên các sư tìm cách sửa điện. Các em thiếu tình thương cha mẹ và World Cup đến là dịp để bù đắp phần nào nỗi đau cuộc đời", vội lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán sau một ngày mệt nhoài, sư cô Minh Tú chia sẻ.

World Cup là niềm vui song cũng là nỗi đau khi bản thân mỗi người không tận hưởng một cách có ý thức, trách nhiệm. "Có nguyên tắc là các em tuyệt đối không được ra ngoài bởi rất dễ rơi vào vòng xoáy cạm bẫy. Các em xem để học tập kỹ năng đá bóng, tận hưởng không khí vui vẻ chứ không được cá độ ăn thua. Mỗi lần đến World Cup, có nhiều người bỏ con, chồng đánh vợ chạy lên chùa trốn.

Đây là tai họa của những người chơi không thuần túy. Các sư không muốn các em quá nhỏ lại dính vào những trường hợp bi thương đó. Các em chưa có điều này song xã hội thì đã có nhiều tình cảnh đó. Các sư có bổn phận phải nhắc nhở. Ở trong chùa, có một số em bị vứt bỏ từ chính World Cup mà ra vì nhiều người mất nhà, mất xe cộ, mất luôn hạnh phúc gia đình. Các sư phải chỉ cho các cháu biết, tận hưởng bóng đá như thế nào để hạnh phúc", sư cô Minh Tú nặng lòng.

Xem World Cup ở ngôi chùa cưu mang gần 400 phận đời “lạc trôi” - Ảnh 7.

Vui chơi có trách nhiệm là thông điệp mà sư cô Minh Tú muốn gửi gắm đến các em. Ảnh: Trần Khánh


Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm