Cách đây gần 20 năm, hồi mới vào nghề, tôi sang Malaysia theo dõi sự kiện SEA Games 21 năm 2001 thấy ấn tượng nhất hai điều. Thứ nhất là tàu điện trên cao, thứ hai là xe hơi.
Tàu điện trên cao nối từ trung tâm Kuala Lumpur đi khu liên hợp Thể thao QG Bukit Jalil, giàng ơi, chạy phà phà chỉ mấy phút một chuyến, giá rẻ bèo, điều hòa lạnh như gió mùa Đông Bắc, mà vắng, đi thấy quá tiện luôn.
Thứ hai là xe hơi. Trên là trời dưới là xe hơi. Ở nhà mình khi đó vẫn xe máy là chủ yếu, có con Dream lùn Thái Lan tem lửa là đủ điều kiện vênh mặt với đời. Hồi đó vẫn hầu như chưa có thế hệ xe tay ga mà sau này chị em đeo khẩu trang phóng như Ninja ngoài đường. Thế mà Malaysia đã có xe hơi, mà xe hơi nội địa hẳn hoi. Chỉ cái xe hiệu Proton hỏi anh taxi thì thấy cái vênh mặt muốn ghét: "Xe tụi tao- ý nói là người Malaysia- tốt như xe Nhật mà rẻ chỉ bằng 1/3".
Thế nên, từ hồi ấy đã chợt nảy ra mơ ước bao giờ Việt Nam mình có tàu điện trên cao và sản xuất được xe hơi cho dân nhờ.
Rồi cũng khoảng đó, nghe chuyện cầu thủ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore đi đá bóng thuê kiếm tiền ở Châu Âu cứ như đi chợ thì lại ước: "Bao giờ xuất khẩu được cầu thủ đây". Cuối cùng thì tự đưa ra câu trả lời: "Đến khi có tàu điện trên cao và sản xuất được xe hơi".
Năm 2018 này thì cả hai điều ấy Việt Nam đã gần đạt được: tàu điện trên cao Hà Đông –Cát Linh đã lăn bánh chuẩn bị bán vé và xe hơi, đã có Vinfast- với hai sản phẩm đầu tiên chuẩn bị giới thiệu ra thế giới.
Chỉ hai năm trước, nói chuyện xe hơi Việt thì có người bĩu môi: "Đến cái ốc vít còn không cạnh tranh nổi thì xe hơi nỗi gì?". Nói vậy thì tự ti quá, riêng chuyện ốc vít thì thế này: không phải chúng ta không sản xuất được mà cái ốc vít (tiêu chuẩn) làm ra không bán được vì không cạnh tranh nổi ốc vít tàu. Như thế để thấy giữa sản xuất và bán được là câu chuyện không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.
Bây giờ chuyện Vinfast ra xe hơi, không phải là không có nghi ngờ nhưng thiên hạ cổ vũ rầm rầm. Một phần có chút tự hào (kiểu như tay taxi ở Kuala Lumpur gần 20 năm trước), phần vì nghe nói giá cũng rẻ. Đã tốt (nghe nói- lại nghe nói hồn cốt của BMW bên Đức) lại còn rẻ thì bà con vỗ tay rầm rầm.
Tàu điện trên cao rồi, ô tô nội địa rồi nhưng chuyện bóng đá thì sao? Ừ thì cũng đã từng xuất khẩu như Huỳnh Đức, Việt Thắng, Công Vinh, Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng… cũng đã đi Trung Quốc, đi Hàn, đi Nhật... Nhưng xét ra những chuyến đi ấy có nhiều mục đích. Người kiêm quảng cáo xe, người gắn với thương hiệu bia, người thì chương trình hợp tác. Không có một "dây chuyền" sản xuất cầu thủ để xuất khẩu.
Bóng đá Việt Nam ở khu vực hay Châu lục, xem ra có ít nhiều thương hiệu. Nhất là khi có những thành công của U.19, U.23 ở mấy giải vừa rồi. Thế nhưng, đối với cầu thủ chuyện được mời sang Anh, sang Pháp đã ở những giải đẳng cấp xem ra còn nhiều chuyện để bàn.
Hay nói một cách khác, nó như chuyện cái xe, để phát triển và "bơi ra biển lớn" cần có những ông chủ lớn, có chiến lược bài bản, có khát vọng, có vốn và quan trọng là quyết tâm làm.
Vinfast ra mắt được những sản phẩm đầu tiên hội tụ đủ những vấn đề ấy, chưa kể là những hậu thuẫn về mặt chính sách tầm vĩ mô.
Cái xe ô tô Việt cạnh tranh được nó gợi ra sự tự tin cho nhiều lĩnh vực, trong đó có bóng đá trong việc bơi và chinh phục biển lớn ở cả tầm đội tuyển, CLB lẫn cá nhân cầu thủ.
Từ Vinfast lại thấy Vin…foot rất nhiều cơ hội và tiềm năng.