Vụ HAGL kiện VPF qua góc nhìn pháp lý

thứ bảy 4-2-2023 6:44:57 +07:00 0 bình luận
Sau khi được VPF đồng ý về các phương án khai thác thương hiệu nhà tài trợ Thái Lan và sẽ tiếp tục dự V.League 2023, HAGL sẽ kiện VPF ra tòa.

V.League 2023 vẫn diễn ra với sự tham dự của HAGL sau khi VPF đồng ý các phương án hợp tác, khai thác quảng cáo với nhà tài trợ Thái Lan của CLB phố Núi trên tinh thần tôn trọng và tuân thủ theo các quy chế, quy định, điều lệ Giải đã được 14 CLB, trong đó có CLB HAGL thống nhất thông qua.

Theo đó, HAGL vẫn được khai thác thương hiệu nhà tài trợ Thái Lan nhưng bỏ ngành hàng nước tăng lực trong các hoạt động quảng bá.

Đội bóng phố Núi kết duyên với Redbull trong thời hạn 2 năm qua. Ảnh: Phương Nam

Tuy nhiên, phía HAGL thông báo sẽ gửi đơn kiện VPF ra tòa. Trả lời báo giới, bầu Đức viện dẫn Luật cạnh tranh Doanh nghiêp được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2018 và cho biết việc đưa vấn đề ra tòa với mong muốn VPF sửa đổi điều lệ.

Dưới đây là một số khúc mắc đưa ra trong sự việc giữa HAGL và Công ty VPF và được nhìn nhận qua góc nhìn pháp lý.

*HAGL khai thác ngành hàng nước tăng lực mang tính liên tục và trước VPF, chỉ khác nhãn hàng có đúng luật?

Mặc dù cùng ngành hàng nước tăng lực nhưng rõ ràng là hai pháp nhân với hai thương hiệu khác nhau có nghĩa là hai bản hợp đồng khác nhau được ký tại hai thời điểm ký kết hợp tác khác nhau. Rõ ràng, thời điểm HAGL ký hợp đồng với nhà tài trợ đến từ Thái Lan sau thời điểm VPF ký hợp đồng với NTT Sâm Ngọc Linh. 

Hơn nữa, nhìn lại một số nhãn hàng đã tài trợ cho HAGL trước khi HAGL ký HĐ tài trợ với Redbull và nhà tài trợ Thái Lan: THACO (năm 2019), VP Milk (2018), IQLACPRO (2017), Nutifood (2015). Các nhà tài trợ này đều không kinh doanh trong ngành hàng nước tăng lực.

Rõ ràng HAGL đã từng khai thác những nhãn hàng khác không phải nước tăng lực, vậy tính liên tục mà HAGL đưa ra chỉ được bắt đầu khi Redbull tài trợ sau đó là nhà tài trợ Thái Lan? Tính liên tục của HAGL là chưa đủ thuyết phục và không thể ghi nhận vì 2 năm là chưa đủ để tạo nên truyền thống hay quan niệm để VPF phải biết rằng HAGL khai thác ngành hàng nước tăng lực.

Như vậy, quan điểm HAGL khai thác ngành hàng nước tăng lực mang tính liên tục, trước VPF chỉ khác nhãn hàng là không phù hợp thực tế.

*VPF vi phạm Luật cạnh tranh được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2018?

- Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Cạnh tranh: “2. Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.”

- Căn cứ quy định tại Điều lệ Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Night Wolf 2023 (Điều lệ Giải V.League 2023) 

+ Điều 39.1 quy định quyền lợi của CLB tham dự Giải: "Được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng không cạnh tranh với Nhà tài trợ chính của Giải.” 

+ Điều 39.2 Điều lệ Giải bóng đá Vô địch Quốc gia Night Wolf 2023 (Điều lệ Giải V.League 2023) quy định trách nhiệm của CLB tham dự Giải: “Các CLB không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính kể từ ngày Điều lệ Giải ban hành hoặc khi có thông báo chính thức từ Công ty VPF.”

Do vậy VPF đưa ra quy định yêu cầu các CLB không được khai thác ngành hàng nước tăng lực – ngành hàng của Nhà tài trợ chính của Giải. 

Vấn đề cần làm rõ là VPF có hay không việc vận động, kêu gọi, ép buộc các CLB thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh? và Hành vi quy định nghĩa vụ các CLB tham gia giải V.League 2023 không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính tại Giải có phải là hành vi hạn chế cạnh tranh hay không?

Theo đó, Điều lệ Giải V.League 2023 là do VPF ban hành và đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua. Trong đó, có quy định các CLB tham gia giải V.League 2023 không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính tại Giải. Quy định này là bắt buộc đối với các CLB khi đăng ký tham gia tại giải. Vậy quy định này có được ghi nhận là hành vi vận động, kêu gọi, ép buộc theo quy định của Luật Canh tranh hay không? 

Căn cứ vào sự kiện thực tế:

+ Ngày 26/12/2022, VPF tổ chức Hội thảo công tác chuẩn bị tổ chức và Lễ bốc thăm, xếp lịch thi đấu Giải bóng đá Vô địch quốc gia Night Wolf 2023. Dự thảo Điều lệ Giải cũng được trình bày tại Hội thảo với các nội dung và quy định rõ ràng về việc Nhà tài trợ chính được quyền quảng bá độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến Giải; các CLB không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính kể từ ngày Điều lệ Giải ban hành hoặc khi có Thông báo chính thức từ Công ty VPF. 

+ Ban Chấp hành của VFF bao gồm đại diện của HAGL đã thông qua Dự thảo Điều lệ Giải đấu.

+ Tại thời điểm Dự thảo Điều lệ Giải, HAGL không đưa ra ý kiến đối với nội dung của bản Dự thảo và xác nhận tham gia Giải. 

Các trụ cột như Vũ Văn Thanh, Văn Toàn đã lần lượt ra đi sau khi V.League 2022 khép lại. Ảnh: Việt Long

=> Xét rằng nếu tại thời điểm Dự thảo Điều lệ Giải, HAGL đưa ra ý kiến phản đối đối với quy định “các CLB tham gia giải V.League 2023 không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính tại Giải” và không đồng ý tham gia giải nếu VPF không thay đổi quy định đó thì liệu VPF có “vận động, kêu gọi, ép buộc” được HAGL hay không?

Nhận thấy, Điều lệ Giải do VPF ban hành đã được thông báo nội dung Dự thảo và lấy ý kiến các CLB tham gia giải trước khi ban hành và không có ý kiến phản đối, tức là các bên đã đồng ý với quy định tại Điều lệ Giải, VPF không thể bắt buộc các CLB tuân thủ quy định nếu các CLB không đồng ý.

Thứ hai, theo quy định của Luật Cạnh tranh:

+ Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh, bao gồm hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền.

Trong đó: 

Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là hành vi thỏa thuận giữa các bên dưới mọi hình thức gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

+ Hành vi của VPF: quy định nghĩa vụ các CLB tham gia giải V.League 2023 không được khai thác tài trợ với các nhãn hàng và ngành hàng cạnh tranh với Nhà tài trợ chính tại Giải. 

Xét rằng, quy định tại Điều lệ Giải của VPF chỉ áp dụng trong khuôn khổ giải đấu do VPF tổ chức kể từ ngày Điều lệ Giải ban hành hoặc khi có thông báo chính thức từ Công ty VPF. Khuôn khổ giải đấu do VPF tổ chức không thể được coi là “thị trường” để cạnh tranh giữa các bên theo quy định của Luật Cạnh tranh.

+ Hơn nữa, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 66 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi, bổ sung năm 2023 của Liên đoàn bóng đá: “Các nhà tài trợ, cơ quan truyền thông là đối tác của Đơn vị tổ chức giải và các câu lạc bộ, được hợp tác khai thác các quyền thuộc sở hữu của Đơn vị tổ chức giải và của các câu lạc bộ thông qua ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật”.

=> VPF có quyền cấp phép cho nhà tài trợ được khai thác các quyền lợi thuộc sở hữu của VPF – đơn vị tổ chức giải thông qua ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật. Như vậy, khẳng định VPF vi phạm Luật Canh tranh là không có đủ cơ sở.

*HAGL ký HĐ với nhà tài trợ Thái Lan ngày 5/12/2022, công bố HĐ ngày 15/1/2023. VPF trình bày dự thảo tại Lễ bốc thăm ngày 26/12/2022, ra công văn gửi các CLB thông báo về nhà tài trợ chính ngày 5/1/2023 và công bố Điều lệ giải ngày 17/1/2023. HAGL cho rằng việc VPF trình bày dự thảo tại Lễ bốc thăm và gửi công văn không mang tính pháp lý, khẳng định ký HĐ trước ngày Điều lệ giải có hiệu lực (17/1) do vậy không vi phạm?

* Dưới góc độ pháp lý, thời điểm các bên ký kết hợp đồng tài trợ là thời điểm có hiệu lực pháp lý. Căn cứ sự kiện thực tế:

+ HĐ tài trợ VPF và Sâm Ngọc Linh được ký từ 10/2/2022 và công bố ngày 11/2/2022 với thời hạn 3 năm kể từ năm 2022 đến năm 2024.

+ HĐ tài trợ HAGL và nhà tài trợ Thái Lan được ký từ ngày 5/12/2022 và công bố ngày 15/1/2023.

Do đó, thời điểm hợp tác giữa VPF và Sâm Ngọc Linh có trước thời điểm hợp tác giữa HAGL và nhà tài trợ Thái Lan.

=> Như vậy, HAGL lấy thời điểm ban hành Điều lệ giải ngày 17/1/2023 so sánh với thời điểm HAGL ký HĐ tài trợ với NTT Thái Lan là không tương xứng và không phù hợp.

*Trong trường hợp các nhãn hàng hoạt động trong ngành Viễn thông, ngân hàng tài trợ giải đấu thì những CLB như Viettel hay SHB Đà Nẵng sẽ thế nào?

*Trong trường hợp này, theo cơ sở pháp lý cần xét về thời điểm ký kết HĐ tài trợ giữa BTC giải và NTT giải:

+ BTC ký HĐ với NTT cho giải khi có quyết định tổ chức giải.

+ Tên, thương hiệu CLB và ngành hàng khai thác tài trợ của CLB đã gắn liền với CLB và được xây dựng, sử dụng từ trước thời điểm xác nhận tham gia giải.

=>  Như vậy, các CLB như Viettel hay SHB Đà Nẵng khi tại giải vẫn sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ như các CLB khác bởi khi BTC giải đồng ý để CLB Viettel hay SHB Đà Nẵng tham dự giải và các CLB cũng xác nhận tham dự có nghĩa là các bên đã đồng ý về việc ngành hàng khai thác tài trợ không độc quyền tại giải đấu.

*Tại SEA Games 31, BTC xử lý ra sao với hai nhãn cùng ngành hàng là Bia Việt và Bia Sài Gòn?

*Tại SEA Games 31, đã có hai nhãn hàng tài trợ cùng ngành hàng là Bia Việt và Bia Sài Gòn. Vietcontent - đơn vị tư vấn tiếp thị, tài trợ đại diện BTC SEA Games 31 đã họp bàn và phối hợp với 2 NTT để xử lý hài hòa sao cho cả 2 NTT đều có thể cùng khai thác các quyền lợi tại Sự kiện mà không khiếu nại, tranh giành quyền lợi lẫn nhau.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm