Vô địch, giấc mơ và sự khởi đầu

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
thứ bảy 15-12-2018 23:37:41 +07:00 0 bình luận
Tôi viết những dòng này khi đã gần nửa đêm, nhưng nơi tôi sống - một quận cách xa trung tâm Hà Nội đến hơn 10 km - vẫn còn những những tiếng ồn ào, tiếng kèn vuvuzela xé toang không gian.

Tôi viết những dòng này khi đã gần nửa đêm, nhưng nơi tôi sống - một quận cách xa trung tâm Hà Nội đến hơn 10 km - vẫn còn những những tiếng ồn ào, tiếng kèn vuvuzela xé toang không gian.

Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup! Đó là sự thật chứ không phải giấc mơ. Cơn khát danh hiệu bóng đá kéo dài 10 năm nay đã được giải tỏa và cũng dễ hiểu là tại sao người Việt Nam lại vui đến như vậy, tại sao bỗng chốc đất nước Việt Nam lại biến thành một quốc gia bóng đá. Giá trị của bóng đá ở một thời điểm nhất định cao hơn tất cả những giá trị khác.

Tôi không thể bình luận quá nhiều về trận đấu, về chuyên môn bởi những ngôn từ mĩ miều nhất về chiến thắng, về bóng đá mọi người đã có thể nói với nhau hoặc đã được nghe những BLV của nhà đài nhắc đi nhắc lại.

Tôi với cậu con trai 10 tuổi ngồi xem bóng đá trước TV, và thỉnh thoảng, tôi nhắc cho con trai mình mấy bài học sau đây:

1. Nếu đối phương không mạnh thì làm sao biết đến mình lại chơi được hay đến như thế. Nên đừng sợ gặp đối thủ mạnh, vượt qua họ là chúng ta đã có những khám phá mới cho giới hạn của mình.

2. Muốn gặt hái những thành quả bình thường không thể thiếu sự trui rèn. Muốn gặt hái những thành công phi thường không thể thiếu niềm tin và ý chí.

3. Cầu thủ muốn giỏi cần gặp đúng huấn luyện viên. Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy.

4. Khi cầu thủ đá bóng vì một dân tộc đằng sau lưng, họ trở thành những con người khác. Con cũng có thể trở thành một con người khác hạnh phúc và lớn lao hơn, khi con biết sống không chỉ vì bản thân mình.

Tôi nghĩ trận lượt về chung kết AFF Cup 2018, hay cả hành trình, thầy trò ông Park Hang-seo đã có đủ những bài học này: bài học về đối thủ, bài học về cách rèn luyện, bài học về tập thể, bài học về sức mạnh cộng đồng, bài học về người đứng đầu.

Hình ảnh ấn tượng mạnh nhất, chưa hẳn là bàn thắng của Anh Đức, cũng chưa chắc là pha bay người cản phá xuất sắc của Văn Lâm, hoặc những pha bóng chắc chắn của hàng thủ với những Đình Trọng, Ngọc Hải… Đó là hành ảnh người thầy Park Hang-seo ở vị trí chỉ đạo.

Vô địch, giấc mơ và sự khởi đầu - Ảnh 1.

Không phải vô cớ mà một đài truyền hình của Hàn Quốc đặt riêng một máy chỉ để ghi lại những cảm xúc, những chỉ đạo, những hình ảnh của ông Park.

Thật ra, thành công của đội bóng đá năm nay giống với cách đây 10 năm. Đó là sự chắc chắn của hàng phòng ngự mới là nền tảng cho thành công.

Để nói về thành công này, có lẽ triết lý nổi bật vẫn là sáu từ: "lao động - kỷ luật - thực dụng".

Nếu để ý có thể thấy, tính thực dụng là nét mới trong cách chơi của đội tuyển: không cầm bóng quá nhiều (tỉ lệ kiểm soát bóng thường thấp hơn đối thủ), sút cũng không nhiều hơn nhưng hiệu quả hơn. Nó khác với cái cách mà khá nhiều đội tuyển (ở nhiều lứa tuổi) của Việt Nam từng được yêu mến: kỹ thuật, lắt nhắt nhưng không hiệu quả.

Có thời, điển hình là với lứa U.19, chúng ta tưởng rằng đã tìm ra được chân lý cho bóng đá Việt Nam với kiểu chơi bóng bay bổng đầy kỹ thuật lứa Công Phượng, Văn Toàn. Nhưng hóa ra không phải, những bàn thắng quan trọng của Việt Nam đến từ cầu thủ thực dụng nhất trong đội tuyển: Anh Đức. Thậm chí ngay cả chuyện "câu giờ" cũng bắt nguồn từ hai từ thực dụng đó.

Tất nhiên, triết lý của ông Park có thể mang lại chiến thắng nhưng cũng không vội vàng cho đó là chân lý, là điều mà một nền bóng đá phải theo đuổi. Nhưng ở thời điểm này là cần thiết khi chiến thắng là niềm cảm hứng, tạo động lực không chỉ cho bóng đá.

Giá trị của bóng đá sẽ mất dần giá trị nếu chỉ gói gọn trong bóng đá. Thời khắc vui vẻ qua đi, chúng ta phải đối mặt với nhiều thứ nữa, thiết thực hơn.

Tôi nhớ lại câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây gần một năm sau chiến công của đội U.23 tại Thường Châu: "Với thành tích của đội tuyển U.23, mới chỉ có bóng đá là một con hổ mới ở châu Á, còn kinh tế thì phải tiếp tục phấn đấu".

Chức vô địch vừa giành được sẽ tạo ra những gợi ý tốt để chúng ta tìm đường vô địch ở những "giải đấu" khó khăn hơn nhiều.

Đó là "giải đấu" về xuất khẩu, cuộc đua trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu, giải đấu trong việc cải thiện năng suất lao động, tiền lương (mà Việt Nam đang ở vị thế bét bảng), "giải đấu" vượt lên để xếp Top đầu về thu nhập bình quân đầu người…

Cứ vui đi, nhưng phải nhớ, đỉnh cao này sẽ là khởi đầu cho những định cao khác. Chỉ cần mải mê thỏa mãn là chúng ta sẽ đi phải vết xe đổ ngày nào…

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm