V.League và những bài toán chưa có đáp số

Thu Phong
thứ tư 19-8-2020 12:03:36 +07:00 0 bình luận
Qua hai thập niên lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam vẫn chưa giải quyết được những vấn đề mang tính căn bản, quyết định sự phát triển. Dịch COVID-19 một lần nữa phơi bày ra những thực trạng lâu nay bị khoả lấp bởi những thành công nhất thời.

Đá vì ai?

Vòng 5 V.League 2020, bước sang hiệp 2 trận đấu giữa HAGL và Sài Gòn FC trên sân Pleiku, đám đông CĐV chủ nhà liên tục phản ứng rất kịch liệt trên khán đài vì màn “nằm sân” của cầu thủ đội khách. Sài Gòn FC bị dẫn trước từ phút 12, nhưng kịp gỡ cân bằng tỉ số 1-1 nhờ công ngoại binh Geovane ở phút 49. 

Cũng từ thời điểm này, trận đấu liên tục bị gián đoạn bởi các pha “câu giờ” của cầu thủ đội khách. Bức xúc trước lối đá xấu xí trên, nhiều CĐV HAGL đã la ó, thậm chí ném cả vật lạ xuống khu vực BHL Sài Gòn FC để phản đối. Sau trận, HLV Lee Tae-hoon của HAGL đã rất xã giao khi cho rằng, cầu thủ Sài Gòn FC không câu giờ nhưng ông lại “thòng” thêm, bóng đá Việt Nam không thể phát triển chuyên nghiệp nếu tình trạng trên tái diễn quá nhiều. 

Chiến thuật thực dụng, lối chơi phòng ngự kém cống hiến là một trong những nguyên nhân khiến Sài Gòn FC không có khán giả dù đang dẫn đầu V.League. HLV Vũ Tiến Thành là một trong những người có nhiều bằng cấp ở bóng đá Việt Nam và trước khi nhận án tù “treo” vì vụ đưa tiền cho trọng tài dàn xếp tỷ số năm 2005, ông Thành còn được xem là “hạt giống đỏ” được VFF đầu tư. Ông Thành hồi đầu mùa giải đã công khai triết lý bóng đá hướng về kết quả, vốn ngược hẳn với tinh thần cống hiến của HAGL. 

Sài Gòn FC dẫn đầu V.League 2020 nhưng chưa chiếm lòng tin yêu từ NHM. ​​​

Tuy nhiên đây không phải lý do duy nhất khiến Sài Gòn FC không có khán giả. Trên thực tế, đây vốn là đội bóng thuộc quyền sở hữu của ông bầu Đỗ Quang Hiển, mang tên Hà Nội trước khi được “chuyển khẩu” vào Tp Hồ Chí Minh và đổi tên thành Sài Gòn FC. Đã có những người ví đội bóng này là “Hồn Hà Nội, da Sài Gòn”. Người Sài Gòn vì vậy không dành tình yêu cho Sài Gòn FC mà luôn hướng tới CLB Tp Hồ Chí Minh. Ở mùa giải năm nay, Sài Gòn FC đổi chủ sở hữu trong thương vụ được đánh giá như một cú “sang tay” giữa các ông chủ. 

Nhưng lực lượng của đội bóng này vẫn là những con người từng được bầu Hiển nuôi. Tình cảnh của Sài Gòn FC hiện nay không khác gì CLB Hà Nội nhiều năm về trước khi luôn trong cảnh thiếu CĐV dù thường xuyên vô địch V.League. Không kéo được CĐV đến sân cũng chính là một trong những nốt buồn của V.League mà lý do được giải thích chỉ một nguyên nhân duy nhất: đội bóng không hướng tới khán giả khi chỉ để phục vụ các mục đích bên ngoài bóng đá của các ông bầu. 

Than Quảng Ninh mới đây là ví dụ ngược lại. Đội bóng đất Mỏ trái ngược với Sài Gòn FC, có đội ngũ CĐV cuồng nhiệt, hoạt động bài bản. Hội CĐV Than Quảng Ninh là mơ ước của nhiều CLB ở V.League. Nhưng rất bất ngờ khi trước cuộc đua vào ghế Phó chủ tịch tài chính VFF của ông Chủ tịch CLB Phạm Thanh Hùng, Quảng Ninh đẩy đi 3 cầu thủ rất quan trọng cho Hải Phòng, gồm Fagan, Mạc Hồng Quân và Nghiêm Xuân Tú. Nhiều CĐV Quảng Ninh đã thất vọng, có người tuyên bố rút khỏi Hội CĐV vì cảm thấy bị phản bội. 

Chuyên nghiệp khoác áo bao cấp 

Năm 2012, bóng đá Việt Nam đã đứng trước yêu cầu buộc các đội bóng phải hoạt động như doanh nghiệp thực thụ. Tại một hội thảo của VPF, nguyên Giáo sư Dương Nghiệp Chí đã thẳng thắn cho nêu quan điểm, không nên sử dụng ngân sách cứu các đội bóng. Cần để các CLB tự sống trên đôi chân của mình tuân theo quy luật thị trường nếu không muốn bóng đá Việt Nam tiếp tục dậm chân tại chỗ. 

Chủ tịch CLB Thanh Hóa và Chủ tịch CLB Quảng Nam kiến nghị dừng V.League 2020 vì khó khăn về kinh phí. 

Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng quy định các đội bóng phải đảm bảo kinh phí hoạt động. Nhưng mới đây khi dịch COVID-19 bùng lên, một loạt đội bóng kêu khó khăn, trong đó cá biệt như Thanh Hoá tuyên bố xin dừng tham dự giải và đặt yêu cầu phải được VFF, VPF hỗ trợ tài chính. Chỉ sau khi bị tỉnh “nhắc”, Chủ tịch CLB Thanh Hoá Nguyễn Văn Đệ mới rút lại tuyên bố trên. 

Cho tới khi đó, người ta mới phát hiện ra Thanh Hoá hàng năm vẫn sống nhờ hỗ trợ lớn từ tỉnh. Tương tự, CLB Quảng Nam cho biết được tỉnh hỗ trợ 16 tỷ đồng, bên cạnh nguồn tiền từ nhà tài trợ. Đây cũng là thực tế chung của một loạt đội bóng khác như SLNA, Hải Phòng…

Sau 20 năm lên chuyên nghiệp, bóng đá Việt Nam thực tế vẫn phải dựa vào bầu sữa ngân sách và tiền từ túi các ông bầu. Những nguồn thu trực tiếp từ bóng đá như bản quyền truyền hình, vé, áo đấu…chỉ chiếm một khoản rất nhỏ. Đây cũng là lý do khi dịch COVID-19 xuất hiện, các đội bóng lập tức gặp khó khăn, và nhiều đội sẵn sàng bỏ giải để tiết kiệm chi phí. Nếu không giải được những bài toán mang tính căn bản trên, bóng đá Việt Nam khó lòng trở nên chuyên nghiệp thực sự.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm