Tờ DW uy tín của Đức mới đây đã có bài phân tích, đánh giá tác động của COVID-19 đối với bóng đá thế giới. Cụ thể, COVID-19 đang khiến nhiều giải đấu, đội bóng rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên tại Philippines, DW dẫn lời cầu thủ chạy cánh James Younghusband cho biết, giải VĐQG nước này có sự khác biệt rất lớn đối với các giải đấu ở châu Âu như Premier League (Anh), Bundesliga(Đức) hay La Liga (Tây Ban Nha)….
Theo Younghusband, ở những giải đấu trên (đặc biệt Premier League), nguồn thu CLB phụ thuộc lớn vào bản quyền truyền hình. Trong khi đó ở Philippines, nguồn sống chính của các CLB là từ tiền túi các ông bầu. Thế nên dù cũng chịu tác động của COVID-19, đối với cầu thủ Philippines, giai đoạn vừa qua có thể xem như một đợt “thư giãn”.
Thực trạng bóng đá Philippines qua mô tả của Younghusband rõ ràng không khác là bao so với V.League, vốn cũng đang “đóng băng” vì COVID-19. Sức ép buộc V.League phải trở lại so với Premier League hay các giải đấu lớn ở châu Âu thấp hơn rất nhiều bởi nguồn thu bản quyền truyền hình là gần như không đáng kể.
Đơn cử như với Premier League, các tính toán cho thấy trung bình mỗi đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh có thể đút túi cả trăm triệu bảng từ bản quyền truyền hình. Đây là lý do, dù dịch COVID-19 đang diễn ra rất nghiêm trọng ở Anh, BTC giải Ngoại hạng và các CLB vẫn tìm mọi cách để giải đấu cán đích.
Giá trị bản quyền truyền hình V.League là bao nhiêu? Mười năm trước, VFF từng ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình V.League cho AVG trong 20 năm, với giá 6 tỷ đồng/năm, luỹ tiến 10% mỗi năm. Tuy nhiên năm 2011 sau khi được thành lập, VPF đã đòi lại từ AVG, với tuyên bố sẽ giúp bóng đá Việt Nam có hàng trăm tỷ.
Bầu Kiên và sau đó là ông bầu Võ Quốc Thắng đặt ra mục tiêu thành lập Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm 10 doanh nghiệp lớn. “Mỗi doanh nghiệp chỉ góp 10 tỷ là bóng đá Việt Nam có 100 tỷ”, đó là kế hoạch do VPF đưa ra.
Không lâu sau đó, bầu Kiên vướng vòng lao lý, còn VPF dưới sự lãnh đạo của bầu Thắng đã đẩy luôn bản quyền V.League vào tay Next Media. Năm 2017 khi ông Thắng nghỉ và bầu Tú lên thay, VPF từng có kế hoạch huỷ bản hợp đồng này nhưng rốt cuộc không thành công. Rốt cuộc, VPF chỉ có thể thanh lý bản hợp đồng cũ, rồi ký lại hợp đồng mới với chính Next Media. Bản hợp đồng mới chỉ giúp VPF “đỡ thiệt” hơn một chút chứ không tạo nên thay đổi nào thực sự đột biến về giá trị.
Để so sánh có thể nhìn sang Thai.Leauge. Theo hợp đồng do BTC Thai.League ký với True Vision và Siam Sport, giá trị bản quyền truyền hình giai đoạn 2011-2013 khoảng 27 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên từ năm 2016-2020, hợp đồng mới với True Vision đem về cho bóng đá Thái Lan con số lên tới hơn 700 tỷ đồng/năm, gồm bản quyền truyền hình Thai.League, giải hạng nhì và các trận đấu của 2 đội tuyển bóng đá nam, nữ Thái Lan.
Mới đây, báo chí Thái cho hay FAT đang tiến hành đấu giá hợp đồng mới giai đoạn 2021-2018 với số tiền kỷ lục lên tới 400 triệu USD, khoảng 9.500 tỷ đồng, được mở rộng thêm bản quyền các hạng từ 1-4 của Thái Lan, hai đội tuyển quốc gia nam nữ và 2 đội tuyển futsal nam, nữ. Con số này vào khoảng 1.400 tỷ đồng/năm. Như vậy, FAT sẽ có nguồn tiền ổn định trong 8 năm để lo cho toàn bộ hệ thống bóng đá.
Dĩ nhiên, so với Việt Nam, Thái Lan có điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất vững chắc hơn rất nhiều. Đó là điều kiện để bóng đá Thái Lan có thể phát triển nhanh, mạnh hơn. Nhưng có thể thấy trong 10 năm nếu nhìn vào giá trị bản quyền truyền hình, bóng đá Việt Nam hoặc cụ thể hơn là V.League, gần như không có sự thay đổi nào. Nếu tính…trượt giá thì thậm chí có thể nói, chúng ta đang thụt lùi so với các đối thủ trong khu vực.
Vì sao V.League mất giá?
Xin thưa chỉ cần nhìn vào một thực tế như sau: Trong 11 mùa giải gần nhất, 8 mùa cúp vô địch thuộc về các đội bóng có liên quan tới bầu Hiển, gồm CLB Hà Nội, SHB Đà Nẵng và QNK Quảng Nam. Một giải đấu có quá ít tính cạnh tranh, thật khó để khiến các “khách hàng” quan tâm. Có lẽ đã đến lúc những người làm bóng đá buộc phải thay đổi, nếu không muốn V.League tiếp tục cảnh “ăn đong” như hiện nay.