Café 24h: Vì nghèo nên cu Tèo thất học

thứ sáu 23-10-2015 22:28:55 +07:00 0 bình luận
Tôi đi Malaysia, câu chuyện đầu tiên tôi được Lệ - hướng dẫn viên du lịch kể lại là chuyện giáo dục. Lệ là người Việt, quê Nam Định lấy một anh chàng Malaysia làm nghề lễ tân khách sạn, thế là cô trở thành người Malaysia chuyên hướng dẫn cho các đoàn khách Việt sang tham quan.

Lệ kể là 2 đứa con của cô được miễn học phí hoàn toàn cho đến hết cấp 3, chỉ mất một chút nhỏ cho mấy tạp chí của tụi nhỏ. Khi các học sinh hết cấp 3, nhà nước sẽ cho những ai muốn tiếp tục học Đại học được vay tiền để học tiếp. Khoản tiền này có thể lên tới 80.000 RM, tức là lên tới 20.000 USD, không hề tính lãi. Khi nào sinh viên ra trường và sẽ trả, cũng không cứ là mỗi năm phải trả bao nhiêu, có nhiều trả nhiều, ít trả ít cho đến hết thì thôi.

Chợt nghe câu chuyện này, tôi nhớ đến 2 đứa trẻ nhà tôi, học trường tư, mỗi đứa hết 5 triệu học phí mỗi tháng, nghĩa là cho 2 con đi học thì nhà tôi phải “hy sinh” thu nhập  của bố hoặc mẹ… Còn chuyện Đại học, có bao nhiêu câu chuyện sau mùa tuyển sinh rơi nước mắt: Thi đỗ, điểm cao nhưng cuối cùng vẫn phải chọn “đi sau đít con trâu” vì lấy đâu ra tiền đi học?

Cái nghịch lý học ở Việt Nam nó còn thế này: Học phí cho ngành y, cao nhất lên đến 4 triệu/tháng, mỗi năm là mấy chục triệu nhưng khi ra trường rồi, đa số sinh viên ngành y cũng chỉ mơ lương 3-4 triệu, tức là ngang với… học phí đã bỏ ra.

 

 

Thôi thì chuyện học nó dài dòng. Người mình có câu: “Nghèo cũng phải cho cu Tèo đi học”. Vâng, cố lắm nhưng học ở đâu và như thế nào lại là chuyện khác.

Hôm qua có người bạn ví von cực chuẩn: Đội Cà Mau như anh học sinh thi đỗ vào Đại học nhưng vẫn chấp nhận thân phận nông dân vì không có đóng học phí. 

Cà Mau đá hạng Nhì máu lửa, thế là lên hạng Nhất. Cái bi kịch bắt đầu từ đây, khi đã gắn mác hạng Nhất nghĩa là chuyên nghiệp thì phải đi kèm khoản tiền mấy chục tỷ theo quy định của BTC. Nói cách khác khi đã gắn mác chuyên nghiệp, anh phải chưng ra được cái… hộ chiếu. Hộ chiếu ở đây là tiền. Không có tiền thì nghỉ chơi, bóng đá chuyên nghiệp nó khắc nghiệt ở chỗ ấy mà hàng loạt đội bóng từ An Giang, Kiên Giang rồi Bình Định năm nào đã phải “nói lời biệt ly” vì thiếu tiền.

Một đội bóng lên hạng nhưng đành xin rút, kéo theo số phận bao nhiêu con người. Bóng đá phát triển là thứ bóng đá mà ai cũng có cơ hội được chơi nếu họ có khả năng thực sự. Ấy thế mà cuối cùng vẫn là những nghịch lý. 

Cuối cùng thì bóng đá như là cuộc chơi của những đứa con nhà giàu chứ không phải là cơ hội của những “con nhà nghèo học giỏi”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm