Đại diện nhà tài trợ Dentsu Sports thẳng thắn nêu bật lý do vì sao lại chọn tiếp thị thể trong để xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp ở buổi tọa đàm khoa học Xây dựng thương hiệu Đội tuyển Bóng đá nam Quốc gia Việt Nam.
Đó là nhằm tăng độ nhận biết, tin tưởng và tầm vóc của thương hiệu; tiếp cận tệp khách hàng mới; tăng độ trung thành của khách hàng yêu thể thao và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và đây cũng là cơ hội để tăng doanh số cho doanh nghiệp.
Khi quyết định tài trợ vào ĐTQG Việt Nam, các nhà tài trợ mong muốn đơn vị sở hữu thương hiệu hình ảnh ĐTQG là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đáp ứng các tiêu chí đề ra. Mong muốn đầu tiên là được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đại diện của Dentsu Sports, các hoạt động vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề thường gặp và mối quan tâm hàng đầu của các nhà tài trợ. Do đó, các tài sản trí tuệ của VFF cần được bảo vệ khỏi việc bị thương hiệu khác (không phải nhà tài trợ) sử dụng sai mục đích.
Để làm được điều này, Dentsu Sports cho hay, VFF cần xây dựng cơ chế và khung hành động trong việc xử lý vi phạm và phổ biến, tập huấn & đưa vào ứng dụng 1 cách rộng rãi; tăng cường hoạt động giám sát và xử lý các hành vi vi phạm; tuyên truyền rộng rãi, kêu gọi tuân thủ của tất cả các bên liên quan.
Mong muốn thứ hai của nhà tài trợ là nâng cao nhận thức của đơn vị quản lý, vận động viên & cộng đồng người hâm mộ để đảm bảo quyền lợi nhà tài trợ. Các bên cần chia sẻ định hướng, kế hoạch tầm nhìn chung của thương hiệu; thường xuyên chia sẻ và hướng dẫn, trau dồi cho đơn vị trực thuộc và các VĐV về các nghĩa vụ và quyền lợi đối với nhà tài trợ và tập huấn hướng dẫn cho VĐV cách bảo vệ hình ảnh chuyên nghiệp ĐTQG trong, ngoài thi đấu.
Dentsu Sports mong muốn VFF tăng cường quảng bá hình ảnh các ĐTQG. Hiện tại, các hoạt động của ĐTQG chưa được phong phú, tập trung chủ yếu vào hoạt động thi đấu và tập huấn. Lượng thông tin và hình ảnh chia sẻ chưa được đa dạng, và chỉ mang tính thời điểm. Do đó, VFF cần tăng cường quảng bá hình ảnh ĐTQG Việt Nam bằng các hình thức khác nhau để thu hút sự quan tâm.
Bên cạnh đó, nhà tài trợ hướng đến phát triển mạnh mẽ cộng đồng người hâm mộ nhiệt huyết để thương hiệu đạt hiệu quả về mặt kinh doanh, tiếp thị. Vấn đề quan trọng là mang đội tuyển đến gần hơn người hâm mộ bằng các hoạt động xã hội, thể hiện sự gần gũi, thân thiện, nâng tầm quan trọng của bóng đá; tổ chức nhiều ciải đấu tầm cỡ châu lục hơn; xây dựng thương hiệu riêng, bộ nhận diện riêng cho đội tuyển, cộng đồng người hâm mộ.
Cuối cùng, nhà tài trợ mong muốn được chia sẻ kế hoạch, tầm nhìn chiến lược ngắn - trung và dài hạn cho sự phát triển bóng đá trong tương lai. Hiện tại, các nhà tài trợ của ĐTQG chỉ có thể tài trợ trong ngắn và trung hạn, chưa tạo được 1 nguồn tài trợ ổn định và lâu dài cho ĐTQG Việt Nam.
Vì vậy, nhà tài trợ cần được chia sẻ định hướng kế hoạch được hướng đi của ĐTQG Việt Nam và mục tiêu của đội bóng để biết nếu hướng đi đó là phù hợp để đồng hành. Từ đó, nhà tài trợ có thể đưa ra chiến lược cụ thể và nắm bắt thị hiếu đối với người tiêu dùng của các sản phẩm/ dịch vụ của mình, tạo ra cơ hội đồng hành lâu dài và ổn định với các ĐTQG Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam từng ghi nhận nhiều vụ việc vi phạm bản quyền hình ảnh đội tuyển Việt Nam. Trong đó, hai vụ việc từng gây xôn xao dư luận xảy đến ở thời điểm bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều thành công. Sau khi U23 Việt Nam giành ngôi Á quân U23 châu Á 2018, Quang Hải quảng cáo cho một nhãn bia và bị VFF “tuýt còi” vì liên quan đến hình ảnh các ĐTQG.
Đến cuối tháng 8/2020, Quế Ngọc Hải đăng một clip quảng cáo cho công ty game với hình ảnh có tính tương đồng cao với ĐTQG. Sau đó, VFF gửi văn bản yêu cầu công ty này chấm dứt vi phạm bản quyền hình ảnh ĐTQG.