1. Tiger Cup 1996 (tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ), trước khi thầy Đức Weigang mang “thế hệ vàng” sang Singapore thì các quan chức VFF đã nhóm họp và quyết định sẽ sa thải Weigang ngay sau khi giải đấu kết thúc. Lý do là giữa hai bên lúc đó đã xuất hiện rất nhiều vết rạn, và cũng bởi VFF muốn làm mới một ĐTQG đã được “tắm” trong phương pháp Weigang kể từ SEA Games một năm trước đó.
Không biết là ông Weigang và các cầu thủ có nghe phong phanh gì về chuyện này hay không nhưng tất cả đều nhớ, Tiger Cup là một giải đấu “có chuyện”. Ông thầy Đức điên tiết đòi đuổi 4 cầu thủ được cho là đã “không chơi hết mình” về nước, nhưng sau đó ông trưởng đoàn ĐT đã tìm cách... hạ nhiệt, và từ cái điểm nút mang tính bước ngoặt đó, ĐTVN đi một lèo tới bán kết, rồi đoạt vị trí thứ ba chung cuộc.
Chính vì ĐT bất ngờ có thành tích nên cái ý tưởng “kết thúc hợp đồng” với Weigang bị buộc phải rút lại, và như thế, ông thầy người Đức đã có một cú biến hung thành cát đầy ngoạn mục.
2. Đến Tiger Cup năm 2000 - giải đấu cuối cùng của “thế hệ vàng”, cũng là giải đấu mà bóng đá Việt Nam tin vào ngôi vô địch hơn bao giờ hết thì VFF tuyên bố thẳng trước giờ bóng lăn: bất chấp kết quả cuối cùng, HLV trưởng Alfred Riedl vẫn sẽ ra đi.
Đấy là thời điểm mà ông Riedl đã gắn bó với bóng đá Việt Nam 2 năm, qua 2 mùa giải, nhưng chỉ đạt được thành tích cao nhất là... vị trí Á quân. Mùa giải đầu tiên, ĐTVN của ông thất bại cay đắng trước Singapore trong trận chung kết Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy. Trận thua mà ngay sau đó những lỗi lầm về dùng người và đấu pháp của Riedl đã được chỉ ra không thương tiếc, nhưng sau này người ta mới hiểu đó là trận thua đến từ những lý do ngoài chuyên môn.
Đến chung kết SEA Games 20, năm 1999 thì ĐT của Riedl thua tâm phục khẩu phục Thái Lan, và giấc mơ về một chiếc huy chương vàng trong lần tham dự SEA Games cuối cùng của một thế hệ vàng tan tành khói mây.
Trở lại với Tiger Cup 2000, đội bóng của Riedl vào bán kết ở vị trí nhất bảng nhưng cách đá và tinh thần đá thì... rất có chuyện. Kết quả là chúng ta thua ở bán kết, rồi thua luôn kèo dưới Malaysia trong trận tranh HCĐ. Phải nói, Riedl ra đi trong một hoàn cảnh không thể buồn bã hơn.
3. Bây giờ là thời đại của Toshiya Miura, với VCK U.23 châu Á trên đất Qatar. Mặc dù VFF không nói thẳng với Miura như nói thẳng với Riedl năm 2000 nhưng cũng không “im lìm, giữ kín” như với Weigang năm 1996. Miura cầm quân đánh trận trong bối cảnh mà PCT tài chính VFF Đoàn Nguyên Đức không ngại chỉ trích tư tưởng cầm quân của ông, và cho rằng tư tưởng ấy chỉ làm hại ĐT nói riêng và bóng đá Việt nói chung. Miura cũng sẽ cầm quân trong bối cảnh mà hợp đồng hiện tại giữa ông với VFF chỉ còn tròn trèm 3 tháng.
Có lẽ vì hiểu rõ cái thế khó của một người bị đẩy vào một “canh bạc cuối” nên trong khi VFF chỉ giao chỉ tiêu cho ĐT U.23 là “một trận thắng” thì cá nhân Miura lại đề ra chỉ tiêu “phải vào tứ kết”.
Nếu đúng là ĐT U.23 lọt vào nhóm 8 đội mạnh nhất châu Á thì những người đề nghị “sa thải Miura” nhiều khả năng sẽ không thể, hoặc chưa thể... nói to, nói mạnh mồm. Ngược lại, nếu U.23 thất bại, hoặc cũng chỉ giành được một trận thắng tối thiểu cho đúng chỉ tiêu thì cái cửa ông ra đi là cửa rộng.
Chờ xem, cái “vết xe” của những ông thầy châu Âu như Weigang, Riedl rồi có lặp lại với một ông thầy Nhật Bản nhưng lại rất ưa chuộng phong cách châu Âu!?