Mùa hè 2019, bóng đá Việt Nam sôi động lẫn háo hức khi thông tin các cầu thủ Việt “xuất ngoại” xảy đến tới tấp. Đó không còn là Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan mà lại là châu Âu. Giấc mơ “xuất khẩu” sang thị trường tiềm năng, khó tính này luôn là nỗi mong ước của các cầu thủ Việt.
Sau Công Phượng sang Sint-Truiden (Bỉ), chỉ ít tháng sau đó, Đoàn Văn Hậu cập bến Heerenveen (Hà Lan). Đây đều là những đội bóng góp mặt ở giải VĐQG hàng đầu của hai nước này. Xét về tên tuổi, khoác áo Sint-Truiden hay Heerenveen là bàn đạp để các cầu thủ châu Á có thể mơ về những bến đỗ cao hơn.
Cả Công Phượng lẫn Đoàn Văn Hậu đều đến châu Âu với bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm. Họ được kỳ vọng là những người tiên phong giúp bóng đá Việt Nam có tên trên bản đồ của lục địa già.
Trước đó, Công Phượng từng xuất ngoại ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai chuyến đi này không đặt dấu ấn đậm về chuyên môn khi Phượng “Núi” rất ít được ra sân. Xét trên khía cạnh kinh nghiệm, đó là những bài học bổ ích với cầu thủ xứ Nghệ, là hành trang để anh tự tin hơn trong lần “xuất ngoại” này.
Đoàn Văn Hậu càng được kỳ vọng hơn cả. Mới 20 tuổi, là trụ cột của ĐT Việt Nam, đánh chiếm hàng loạt giải đấu từ cấp độ thế giới đến châu lục. Cầu thủ quê Thái Bình lại thi đấu ở vị trí hậu vệ cánh, có thể hình ấn tượng đối với các cầu thủ Đông Nam Á. Hậu có những tố chất để kỳ vọng vào cuộc “xâm lăng” lục địa già.
Thế nhưng, theo thời gian, tất cả mới ra rằng, châu Âu vẫn là chiếc áo quá rộng với các cầu thủ Việt Nam. Công Phượng chỉ có thể trụ lại nửa mùa với 20 phút ra sân. Đó là trận đấu mà Sint-Truiden thảm bại 1-6 trước Club Brugge. Hành trình sau đó của Công Phượng là ghế dự bị rồi lên ngồi khán đài.
Để “giải cứu” Công Phượng, CLB TP. HCM đứng ra đàm phán để mua lại hợp đồng trong nửa mùa còn lại của anh. Trở về Việt Nam, tiền đạo xứ Nghệ đang tìm lại cảm giác thi đấu ngày nào. Anh liên tục ghi bàn. “Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Người hâm mộ đành ngậm ngùi để nhận ra rằng, “xuất ngoại” vẫn là nỗi trăn trở.
Và đến đầu tháng 7 này, CLB Hà Nội thông báo chính thức, Văn Hậu chia tay Heerenveen. Phía đội bóng Hà Lan muốn giữ Văn Hậu còn Hà Nội FC sẵn sàng chi tiền để Hậu ở lại Heerenveen. Thế nhưng, yêu cầu giữ lại về mặt chuyên môn không được đáp ứng. Văn Hậu trở về Việt Nam với 4 phút ra sân ở Cúp QG cùng các trận đấu với Jong Heerenveen.
Chia tay Hà Lan, đó là trải nghiệm quý báu để hậu vệ sinh năm 1999 có những bước đi mới trong sự nghiệp. Cánh cửa châu Âu vẫn rộng mở nhưng thời điểm hiện tại, nó vẫn ở đẳng cấp quá cao so với các cầu thủ Việt Nam.