Cũng phải thừa nhận một sự thật là ông Miura chưa bao giờ tìm được đội ngũ trợ lý đủ tầm. Ông từng rất muốn mời Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức hay Nguyễn Hữu Thắng là những HLV nội vừa có uy, vừa am hiểu BĐVN lên Tuyển để hỗ trợ nhưng không thể. Thay vào đó, mỗi giải đấu, ông thầy này lại phải làm việc với các cộng sự khác nhau. Khi thì Đặng Phương Nam, khi thì Ngô Quang Sang và ở lần tập trung gần nhất là Trần Công Minh.
Công Minh khi còn đá bóng cũng như chuyển sang nghiệp cầm quân, vẫn được coi là người chỉn chu, kín tiếng, thận trọng nhưng hay rào trước đón sau. Trong mọi vấn đề, ít khi Công Minh đưa ra chính kiến của mình, thường chỉ cố gắng làm tốt những nhiệm vụ được giao.
Ngay trong đợt tập trung này, không phải Công Minh không nhìn ra những hạn chế của HLV Miura, các cầu thủ cũng đôi lần thắc mắc với anh về chiến thuật khó hiểu của “thầy Nhật” nhưng mọi chuyện không chuyển biến.
Có thể HLV Miura cứng nhắc đến mức bỏ ngoài tai mọi góp ý của chuyên gia và dư luận, đúng như những gì ông từng phát biểu “tôi không thay đổi chỉ vì nghe người ta nói”. Nhưng, nếu ở bên cạnh ông là một “cánh tay nối dài” dám nói dám chịu trách nhiệm thì chưa hẳn HLV người Nhật đã bảo thủ và/hoặc mắc những sai lầm bắt nguồn từ sự khác biệt văn hoá, bóng đá như thế.
A.Đ