Khi ông Miura “đi ngược chiều”
Đến từ Nhật Bản, đất nước có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu Á và những năm tháng tu nghiệp tại Đức, HLV Miura được kỳ vọng sẽ nâng tầm BĐVN. Thế nhưng sau hơn 1 năm rưỡi làm việc tại Việt Nam, ngoài việc làm tốt thể lực, sức mạnh cho các cầu thủ, dấu ấn về mặt chiến thuật, lối chơi mà ông Miura áp đặt là chưa rõ ràng.
Dấu ấn về mặt chuyên môn gần như là chưa có nhưng nhà cầm quân người Nhật lại biết cách tạo ra sự khác biệt bằng cách làm “không giống ai” của mình. Đơn cử như việc bao lâu nay, trước mỗi trận đấu kể cả ở giải chính thức hay đá giao hữu, ông Miura vẫn giữ thói quen “lùa” các học trò ra sân tập vào buổi sáng trước giờ thi đấu. Thay vì vận động nhẹ nhàng, thả lỏng để tạo sự hưng phấn cho các cầu thủ, mỗi buổi tập “làm nóng” của ĐTVN không khác nhiều so với buổi tập thường ngày, khi ông Miura luôn yêu cầu sự quyết liệt, máu lửa của các học trò.
Đó rõ ràng là sự bất hợp lý, không phù hợp với môi trường, con người BĐVN nếu đem so sánh với cách làm của các đời HLV trước và thực tế những gì mà các CLB ở V.League đang thực hiện. Thế mới có câu chuyện, vì tập căng nên tiền vệ Trọng Hoàng đã bị tái phát chấn thương căng cơ háng, phải làm khán giả bất đắc dĩ sau buổi tập làm nóng ngay trước thềm trận giao hữu với Man City mới đây.
Khác biệt trong quan điểm, tư duy và sự am hiểu về BĐVN là chưa nhiều nên ông thầy người Nhật gặp khó khăn trong việc nắm bắt tâm lý của các học trò. Minh chứng cho thấy điều này là việc ông quyết định “cất” Thành Lương ở trận gặp Iraq và không sử dụng Văn Thắng trong cả 2 trận đấu vừa qua. Lý do là bởi sau những ngày “nuốt” trọn giáo án khá nặng sẽ rất dễ chấn thương nếu tiếp tục vào sân tập căng, họ muốn tự điều chỉnh bằng việc xin ngồi ngoài một hai buổi trước khi quay trở lại và có thể sẵn sàng thi đấu. Thế nhưng HLV Miura cho rằng, các cầu thủ không tập luyện được cũng đồng nghĩa là không sẵn sàng để vào sân thi đấu và quyết định để họ ngồi ngoài theo đúng nguyên tắc dập khuôn cứng nhắc.
Nỗi thất vọng từ sự bất hợp lý
HLV Miura là người thích thử nghiệm, ưu tiên những điều mới lạ mà ông cho là phù hợp với triết lý của mình và đó là lý do ông thường xuyên gây bất ngờ với việc trao cơ hội cho những cầu thủ “vô danh” lên Tuyển. Với quan điểm khác hoàn toàn so với số đông, khi lựa chọn và tin tưởng rất nhiều gương mặt vẫn bị xem là “không biết đá bóng”, với ưu điểm cao to, khỏe và có khả năng chạy nhiều, ông Miura vô tình trở thành “thủ phạm” khiến mặt bằng chung của đội tuyển ngày càng đi xuống. Thế mới có câu chuyện được chính một cầu thủ kỳ cựu kể lại rằng, mỗi buổi tập của ĐTVN bây giờ không khác gì một cuộc “dạo chơi”, khi nhiều cầu thủ trẻ, non về chuyên môn nên “thích cầm bóng qua là qua, xỏ háng và loại vài ba người trong một tình huống khá đơn giản”.
Thế nên không ngạc nhiên, cứ mỗi lần lên danh sách tập trung, vì cảm thấy không phù hợp với triết lý, tư duy bóng đá của HLV Miura, bằng cách này, cách khác, không ít các cầu thủ đã chủ động tìm cách rút lui hoặc có lên thì cũng tập luyện “cho đủ đội hình”. Và câu chuyện mà hàng loạt cầu thủ “báo đau”, xin được về nhà chữa chấn thương trong đợt tập trung mới đây vì không còn giữ được hứng thú, khát khao với cách làm của HLV Miura là một ví dụ. Nó cũng giống như cái cách mà bộ đôi tiền vệ trụ cột Trọng Hoàng, Minh Châu xin rút lui vì lý do chấn thương, ngay trước thềm AFF Cup 2014.
Không bàn đến trình độ chuyên môn của HLV Miura giỏi hay không nhưng rõ ràng sự thích hợp và cách ông thầy người Nhật đã làm hơn 1 năm rưỡi ở Việt Nam cho thấy có nhiều khác biệt, có vẻ không phù hợp với môi trường, con người của BĐVN.
PHƯƠNG ANH
Sau thành tích không tốt, màn trình diễn kém ấn tượng cùng các đội tuyển trong thời gian gần đây, HLV Miura chịu rất nhiều áp lực từ giới chuyên môn, NHM trong đó có sức ép rất lớn từ yêu cầu sa thải của Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức. Tuy nhiên, tương lai của vị chiến lược gia 52 tuổi này vẫn được VFF đảm bảo và trong tuần tới, Thường trực VFF sẽ ngồi lại để đánh giá, xem xét về HLV Miura.