Đội tuyển Việt Nam phải căng sức ở hai giải đấu lớn gồm Vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup 2020 ở giai đoạn cuối năm nay. Hai giải đấu quan trọng diễn ra sát nhau gây bất lợi cho đoàn quân huấn luyện viên Park Hang Seo về thời gian chuẩn bị, nhân sự, phân bố sức mạnh.
Đặc biệt, tuyển Việt Nam đang khủng hoảng hàng phòng ngự với chấn thương của Đình Trọng và Duy Mạnh trong khi ông Park vẫn phải đang miệt mài cải tiến lối chơi nhằm tránh bị đối phương “bắt bài”. Tuy nhiên, cơ hội vô địch AFF Cup 2020 của tuyển Việt Nam vẫn rất rộng mở. So với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp chức vô địch Đông Nam Á, “những chiến binh sao vàng” chiếm nhiều ưu thế hơn.
Lợi thế sớm từ sự ổn định
So với chính “đại kình địch” Thái Lan, tuyển Việt Nam nhiều khả năng có được nguồn nhân sự chất lượng và ổn định hơn khi triệu tập được hầu hết cầu thủ trụ cột từ câu lạc bộ lên tuyển. Còn đội bóng xứ chùa Vàng không chắc chắn có đội hình mạnh nhất bởi nhiều ngôi sao đang thi đấu ở nước ngoài. AFF Cup 2020 không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA nên các đội bóng không bắt buộc phải “nhả người”.
Bên cạnh đó, tuyển Thái Lan có ý định tập trung tối đa cho Vòng loại World Cup 2022 thay vì AFF Cup ở giai đoạn cuối năm nay. Người Thái không khẳng định sẽ đem đội trẻ dự giải vô địch Đông Nam Á nhưng không loại trừ khả năng đội bóng này chỉ có cho mình “đội hình 2” ở giải đấu khu vực năm nay.
Ngoài Thái Lan, Malaysia ngày một mạnh lên kể từ sau AFF Cup 2018. Lần gặp nhau gần nhất ở vòng loại World Cup 2022 hồi tháng 10 năm ngoái, Quang Hải và đồng đội phải rất khó khăn mới thắng 1-0. Sức mạnh thay đổi nhanh chóng của Malaysia chủ yếu tới từ chính sách nhập tịch. Ngày một nhiều cầu thủ chất lượng được họ tạo điều kiện lên tuyển.
Tuy nhiên, đây có thể chính là điểm yếu. Quá nhiều cầu thủ nhập tịch với nhiều văn hóa, lối chơi và triết lý thi đấu khác nhau sẽ khiến tuyển Malaysia khó dung hòa và cần nhiều thời gian để thích nghi. Ở AFF Cup 2020, nếu Việt Nam “xử lý” xong Malaysia, con đường dẫn tới chức vô địch sẽ rộng mở hơn.
Hưởng lợi từ V.League 2020?
Dịch COVID-19 khiến bóng đá châu Á hay Đông Nam Á “tê liệt”. Thai League dự kiến trở lại vào tháng 9 tới trong khi giải vô địch quốc gia Malaysia, Indonesia cũng chỉ trở lại sớm nhất cuối tháng 8. V.League 2020 trở lại sớm nhất trong khu vực lúc này khi dự kiến thi đấu từ đầu tháng 6.
Đây là lợi thế lớn cho tuyển Việt Nam. Phần lớn tuyển thủ đang thi đấu trong nước sẽ có cơ hội trở lại thi đấu đỉnh cao, bắt nhịp lại với bóng đá và có được phong độ tốt nhất sau quãng thời gian chỉ “tập chay” và rèn luyện thể lực.
Trong khi đó, V.League 2020 trở lại sớm sẽ giúp huấn luyện viên Park Hang Seo có thêm thời gian thị sát, chọn lọc cầu thủ cho những mục tiêu vào cuối năm. Nhắc lại, đa dạng hóa lối chơi, tránh bị đối phương “bắt bài” là nhiệm vụ được ông thầy người Hàn Quốc đề cao nhất lúc này. Đây là một trong những điểm mấu chốt để giúp tuyển Việt Nam tiếp tục vô địch AFF Cup 2020. Đáng chú ý, trong trường hợp V.League 2020 thay đổi thể thức thi đấu để kết thúc sớm hơn thì còn sẽ đem lại nhiều lợi thế nữa cho tuyển Việt Nam so với đối thủ cùng khu vực.
Ví dụ, giải đấu hàng đầu Việt Nam chỉ thi đấu một lượt, có vòng loại trực tiếp để chọn ra đội vô địch và xuống hạng thì sẽ có thể kết thúc sớm trước tháng 12. Khi ấy, cầu thủ sẽ có thể hoàn toàn tập trung cho tuyển Việt Nam ở giai đoạn cuối năm với hai giải đấu quan trọng trong khi tuyển thủ các đội khác vẫn phải căng sức ở cả đội tuyển câu lạc bộ.