Học viện HAGL JMG với sự hợp tác cùng CLB Arsenal là niềm tự hào trong sự nghiệp làm bóng đá của bầu Đức. Khi lứa cầu thủ khóa 1 và 2 ra "lò”, ông đặt kỳ vọng lớn và tuyên bố “vô địch V.League không dễ”.
Bầu Đức vui mỗi khi nhìn thấy “đám trẻ” của mình chơi bóng. Đó là niềm vui tao nhã của một người “bố” đã cất công nuôi dưỡng, đào tạo một thế hệ cho bóng đá Gia Lai cũng như Việt Nam.
Thế nhưng, theo vòng xoáy thị trường, bầu Đức không thể cán đáng và chăm lo một cách chu toàn cho các cầu thủ. Họ cũng đã lớn, cần một sự khẳng định, cả về tài chính lẫn danh hiệu.
Câu chuyện chia tay khi hết những ràng buộc cũng là điều tất yếu. Năm 2022, một loạt cầu thủ thuộc khóa 1 và 2, là biểu tượng cho cả học viện lần lượt ra đi. Chỉ có Tuấn Anh, ngôi sao sáng giá nhất ở lại.
Tiền vệ quê Thái Bình sẵn sàng ở lại cống hiến lâu dài. Thậm chí, thời điểm này, còn rộ lên thông tin, anh và Minh Vương đã ký bản hợp đồng trọn đời với đội bóng phố Núi.
Thế nhưng, dòng chảy thời gian biến thiên theo chiều hướng không quá suôn sẻ với bầu Đức. HAGL cứ đì đẹt với cuộc đua trụ hạng. Đám trẻ đó đã lớn nhưng câu ca thán "dành cả thanh xuân để trụ hạng" của Minh Vương vẫn văng vẳng.
Đầu mùa giải này, bầu Đức cũng không còn “độc quyền” sở hữu HAGL. Đội bóng đã gắn liền với tên một nhà tài trợ khác sau hơn 20 năm tồn tại. Một sự thay đổi mà bất cứ ai cũng có thể hiểu, HAGL đã không còn là của riêng của bầu Đức.
Tất nhiên, cùng với đó, mọi quyết sách, quyết định của ông bầu này cũng không còn ở mức tuyệt đối. Sự ra đi của Tuấn Anh là điều không quá bất ngờ.
Cuộc chia tay báo hiệu cho một thương hiệu HAGL không còn lung linh. Tuấn Anh được ví như người Mohican cuối cùng ở hai khóa đầu cuối cùng cũng rời đội bóng. Thực tế, vẫn còn đó Lê Văn Sơn (khóa 1) và Nguyễn Hữu Anh Tài (khóa 2) nhưng cả hai chưa bao giờ ở đẳng cấp ngôi sao.
Tuấn Anh ra đi và mang theo nhiều tiếc nuối, hoài niệm. Nhưng, tất cả hợp với quy luật tự nhiên khi bầu Đức không còn sở hữu riêng HAGL.