Mới nhất, tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn thuộc biên chế Hà Nội FC vừa bị khui lên việc tham dự một trò chơi có tên Dare Pong với những hình ảnh được cho không phù hợp với một cầu thủ trẻ.
Trong đoạn video thử thách trò chơi Dare Pong, Nguyễn Hồng Sơn xuất hiện cùng bạn chơi nữ. Một vài phân đoạn cả hai làm những động tác có thể khiến người xem đỏ mặt.
Video đó được đăng tải từ cuối tháng 8/2018 nhưng mới đây được khui lên trên một số diễn đàn bóng đá Việt Nam. Hồng Sơn nhận nhiều chỉ trích, cho rằng trò chơi kiểu này không phù hợp với một cầu thủ trẻ vẫn còn đang gây dựng sự nghiệp.
Nguyễn Hồng Sơn tham dự tập 8, mùa 2 chương trình thực tế Dare Pong và để lại ấn tượng không tốt với người hâm mộ bóng đá. Nguồn: Vibe Digital.
Một số khác cho rằng, Hồng Sơn có thể làm mất hình ảnh của CLB chủ quản - Hà Nội FC, thậm chí cậu từng khoác áo U19 Việt Nam. Một nhóm nhỏ thì bảo vệ Hồng Sơn, ho cho rằng cậu đã đủ 18 tuổi và có quyền quyết định tham dự một chương trình 18+ như vậy.
Đầu tháng 10 vừa qua, Hồng Sơn đã được nâng chức vô địch V.League đầu tiên cùng Hà Nội FC. Trước đó, anh thuộc biên chế U19 Việt Nam, gương mặt quen thuộc của đội hai năm trở lại đây. Thế nhưng, trước đợt tập trung cuối cùng chuẩn bị cho VCK U19 châu Á 2018, Hồng Sơn không được HLV Hoàng Anh Tuấn triệu tập. Chi tiết này được cho có liên quan đến việc Sơn không có kỷ luật tốt ở đội tuyển.
Trường hợp của Hồng Sơn chỉ là một ví dụ điển hình về việc cầu thủ trẻ Việt Nam dính thị phi trong năm 2018. Trước cậu, một nhóm cầu thủ U16 Việt Nam đã nhắn tin nói xấu BHL. Trong lúc thu điện thoại, BHL U16 Việt Nam mà đứng đầu là HLV trưởng Vũ Hồng Việt đã biết được sự việc.
Thời điểm U23 Việt Nam đang gây sốt sau thành công tại VCK U23 châu Á 2018, những Quang Hải, Xuân Trường hay thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng đối mặt với những thị phi ngoài chuyên môn bóng đá.
Sự việc xôn xao nhất liên quan đến cầu thủ trẻ Việt Nam là bảng báo giá quảng cáo cho thủ môn Bùi Tiến Dũng bị rò rỉ sau VCK U23 châu Á 2018. Ảnh: Trung Thu.
Tên tuổi thủ môn Bùi Tiến Dũng đi liền với bảng báo giá quảng cáo chi tiết các mục, buộc FLC Thanh Hoá – CLB chủ quản phải vào cuộc. Kế đến, Quang Hải dính vào việc quảng cáo bia trong khi mặc áo đội tuyển Việt Nam.
Hải đủ tuổi để quảng cáo bia hay uống bia nhưng với văn hoá Việt Nam cũng như hình ảnh cho giới trẻ noi theo, việc xuất hiện như vậy trở nên khó phù hợp. Kế đến, Xuân Trường dính vào lùm xùm khi viết một đoạn văn bằng tiếng Anh đăng tải lên trang cá nhân Instagram nói về "fan phong trào" và "fan chân chính". Anh sau đó phải xoá bài đăng và bị CLB HAGL nhắc nhở.
Tổng hợp lại để thấy, thị phi ở bóng đá Việt Nam năm nay gắn liền nhiều với nhóm các cầu thủ trẻ. Trong bối cảnh, báo chí, truyền thông và dư luận theo sát đó vừa là cơ hội để tăng tầm ảnh hưởng nhưng cũng phải thật cẩn thận trong lời ăn tiếng nói khi vị thế đã là một nhân vật của công chúng.
Câu chuyện này cũng mở ra những vấn đề khác nhau trong việc quản lý cầu thủ trẻ và giáo dục họ đối mặt với những thị phi kiểu mới ở bóng đá hiện đại. Không còn là chuyện đi bar, dùng chất kích thích như trước đây, những cầu thủ trẻ Việt Nam đối mặt với những vấn đề mới hơn về ứng xử với truyền thông, xây dựng thương hiệu và hình ảnh trước công chúng. Đó là những áp lực mà họ phải đối mặt bên cạnh việc tập trung vào chuyên môn bóng đá.