Năm 2014, đội bóng phố Núi có khá nhiều gương mặt nổi bật như Xuân Trường, Công Phượng, Văn Trường, Đông Triều, Văn Sơn, Văn Toàn, Thanh Tùng, Văn Thanh, Tuấn Anh hay Anh Tài... nhập học vào khóa 9 trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM.
Theo quy trình đào tạo hệ tín chỉ, chương trình học của các cầu thủ HAGL sẽ kéo dài 4 năm, tuy nhiên do đặc thủ riêng của cầu thủ, chương trình học có thể kéo dài tối đa đến 7 năm. Nếu hoàn thành đủ 144 tín chỉ, họ sẽ trở thành cử nhân sau đào tạo. Với tấm bằng Đại học, các “ngôi sao” của HAGL có thể trở thành giáo viên thể chất hoặc HLV bóng đá nếu không tiếp tục chơi bóng.
Ở mùa giải 2015, CLB HAGL có 3 cầu thủ là Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường thi đấu ở nước ngoài, nên quá trình học của bộ cầu thủ này cũng bị gián đoạn. Một năm sau đó, Nguyễn Hữu Anh Tài cũng “tu nghiệp” tại Hàn Quốc, hậu vệ này cũng phải bảo lưu kết quả. Sau khi về nước, tất cả đã tiếp tục theo học trở lại.
Như vậy, theo hệ đào tạo của khóa I, HAGL có 3 bạn sinh viên đã tốt nghiệp, 3 bạn này là do đã nghỉ thi đấu và được CLB HAGL cũng như trường tạo điều kiện học, thi kết thúc 144 tín chỉ và tốt nghiệp ra trường. Ba gương mặt của HAGL gồm Nguyễn Đăng Phúc – Giáo Viên trường tiểu học Âu Dương Lân, Quận 8 (TP. HCM); Nguyễn Thành Đạt – Giáo viên trường tiểu học Trần Nguyên Hãn, Quận 8 (TP. HCM) và Lâm Quang Hậu – Mở lớp bóng đá cộng đồng trên địa bàn TP.HCM.
Ngoài 3 gương mặt này, HLV Dương Minh Ninh năm sau cũng sẽ tốt nghiệp và lấy bằng cử nhân sư phạm sau 4 năm theo học. Điều khó khăn với các khóa tiếp theo không thể theo học tại trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM là do các cầu thủ phải thi đấu và phân tán ở nhiều CLB khác nhau. Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng đoàn HAGL, Nguyễn Tấn Anh cho biết: “Hiện tại các em khóa I của học viện HAGL vẫn còn một số môn nữa chưa hoàn thành, dự kiến các em sẽ tốt nghiệp vào năm sau. Do các em bận thi đấu ở CLB và đội tuyển Quốc gia nên quá trình học bị ngắt quãng.
Trước đây, HAGL có thể tổ chức được lớp học cho các ban học viên ở khóa I, vì khi ấy cả đội tập trung ở đội 1. Còn hiện tại, các cầu thủ khóa sau phân tán đi nhiều đội như Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp, CAND,... Các em bận thi đấu sẽ rất khó để tiếp tục việc học. Các thầy cô giảng dạy phải theo lớp và theo khóa chứ không thể dạy từng học viên”.
Chia sẻ về giá trị của tấm bằng Đại học sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp, cầu thủ khóa I học viện HAGL JMG – Nguyễn Đăng Phúc cho hay: “Khi chúng tôi không còn chơi bóng chuyên nghiệp, tấm bằng Đại học Sư phạm TDTT có giá trị rất lớn, nó giúp chúng tôi vững vàng và định hướng rõ ràng hơn trong cuộc sống. Khi có bằng Đại học, chúng tôi có thể đi giảng dạy, mở các trung tâm bóng đá vẫn nuôi dưỡng được đam mê theo ý nguyện của mình”.
Không chỉ có HAGL, mới đây CLB Viettel cũng đã kết hợp cùng với trường Đại học để đào tạo cầu thủ theo hệ chính quy. Cụ thể, Trung tâm Thể thao Viettel phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) TDTT Hà Nội tổ chức các khóa học với mục đích tạo điều kiện cho cầu thủ, VĐV có cơ hội học Đại học chính quy ngay trong thời thi đấu và tập luyện.
Hiện tại, Trung tâm Thể thao Viettel đang quản lý 62 cầu thủ, trong đó có nhiều tuyển thủ khoác áo tuyển Việt Nam như Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Đại, Đức Chiến, Hoàng Đức... Hy vọng với việc cầu thủ được chơi bóng chuyên nghiệp, kết hợp học và đào tạo hệ chính quy Đại học sẽ giải quyết được vấn đề việc làmg đối với VĐV sau khi chia tay sự nghiệp đỉnh cao. Thực tế, đây là mô hình đáng để nhiều CLB bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam học tập.