Thương binh này là thương binh gì?

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
thứ hai 10-12-2018 19:17:20 +07:00 0 bình luận
Một lần nữa, báo chí phải dùng từ “thất thủ” để mô tả hình ảnh trụ sở VFF bị những người lạ mặt tràn vào, vượt qua cả lực lượng an ninh để đòi mua vé xem trận lượt về chung kết AFF Cup

Một lần nữa, báo chí phải dùng từ "thất thủ" để mô tả hình ảnh trụ sở VFF bị những người lạ mặt tràn vào, vượt qua cả lực lượng an ninh để đòi mua vé xem trận lượt về chung kết AFF Cup. Rất nhiều người trong số đó nhận mình là thương binh và lớn tiếng đòi quyền lợi.

Cực sốc: NHM mang xe ba gác vào sảnh VFF, gây áp lực để mua vé chung kết AFF Cup 2018

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện cảm động bên lề giải quần vợt US Open 2012, đó là trường hợp một thương binh người Mỹ tên là Ryan McIntosh. McIntosh mất chân phải khi sa vào bãi mìn tại Afghanistan năm 2010.

Trở về Mỹ cùng với một chiếc chân giả, chàng trai trẻ tuổi gặp bế tắc trong việc tìm công việc mới. Vào năm 2012, McIntosh tham gia nhặt bóng ở US Open 2012 với thù lao 7,75 USD/giờ. Một số tiền rất nhỏ.

Trước sự hoài nghi của mọi người về khả năng chàng thương binh khó có thể theo kịp để nhặt những quả bóng, McIntosh nói một câu nổi tiếng: "Họ hỏi tôi có thể ném bóng được không. Tôi đáp rằng tôi đã ném được lựu đạn thì tôi nghĩ mình có thể xoay sở được với bóng quần vợt".

Thương binh này là thương binh gì? - Ảnh 2.

Tôi cũng có một ông bác thương binh. Thông thường, người có thẻ thương binh thì được miễn phí 100% vé đi xe bus. Thế nhưng, ông bác tôi vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản tiền 7.000 đồng cho mỗi chiếc vé. "Bác chỉ muốn được đối xử như một người bình thường. Muốn thế thì tốt nhất là hành xử như người bình thường. Điều quan trọng là không phải lúc nào cũng đưa tấm thẻ thương binh ra để mong hỗ trợ", bác tôi nói.

Và có lần, vào những năm cuối 1980 đầu 1990, khi biết được có một số người mang cả thẻ thương binh nhảy lên xe khách để 'xin tiền", bác tôi đã giận run người.

Chính sách thương bệnh binh của Nhà nước ưu đãi, hỗ trợ người có công rất nhiều. Thế nhưng, cũng có người lợi dụng điều này. Mới đây thôi, vào tháng 8/2018, ở Nghệ An phát hiện 569 thương binh khai man, giả mạo giấy tờ hoặc không có tên trong danh sách quân nhân bị thương. Trước đó, từ năm 2014-2016, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng phát hiện hơn 300 hồ sơ thương binh giả ở Nghệ An với số tiền chi trả khoảng 33 tỷ đồng…

Đó chỉ là một ví dụ khi không ít người lợi dụng chính sách của nhà nước để hưởng lợi, hoặc là cố gắng giành lấy phần ưu ái vốn không thuộc về họ. Theo thống kê, trong những năm qua, số tiền chi trả cho những đối tượng hưởng chế độ chính sách không đúng quy định là 119,3 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền truy thu được chỉ 1,3 tỷ đồng.

Thương binh này là thương binh gì? - Ảnh 3.

Tôi nghĩ rằng những người làm xấu hình ảnh người thương binh, có lẽ phần lớn là những thương binh giả hoặc những người cho rằng mình cần phải được ưu ái vượt trội, vượt qua cả khả năng của xã hội.

Được biết hôm 10/12, hàng nghìn người, trong đó chủ yếu là thương binh đã vây trụ sở đòi được quyền mua vé. Bởi VFF cũng đã có chủ trương dành một lượng vé nhất định để bán cho thương binh. Tất nhiên, không thể đáp ứng được hết và đám đông đã lao cả xe ba gác (dành cho thương binh) vào cổng trụ sở VFF và lao vào trong trụ sở để đòi quyền lợi bằng những lời lẽ tục tĩu, khó nghe.

Có thể những người tranh giành bằng được tấm vé để vào sân này, họ không hành động vì một tình yêu bóng đá thực sự. Một khả năng lớn là tấm vé ưu tiên ấy ngay lập tức được "sút" ra thị trường với mức chênh lệch.

Hãy tin rằng những người gây rối ở trụ sở VFF và vỗ ngực mình là thương binh chỉ là một bộ phận nhỏ, rất nhỏ. Những thương, bệnh binh trên cả nước đều rất đáng được tôn trọng. Xin đừng làm xấu đi hình ảnh của những người xứng đáng được coi là anh hùng, nhất là khi nó chỉ liên quan đến tấm vé bóng đá.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm