“Dị nhân” sân cỏ
Những năm 60, 70 của thế kỷ trước, không ai không biết đến cái tên Nguyễn Viết Rớt. Người đàn ông chỉ cao 1.58m nhưng lại chọn vị trí chơi bóng là trấn giữ khung thành và khiến bao đối phương gục ngã vì những kỹ năng bắt bóng vượt xa khỏi giới hạn. Ông Rớt có gần 30 năm theo nghiệp bóng banh và cũng chừng đó thời gian để ông sống mãi trong lòng người hâm mộ với tài năng.
Ông bảo: “Từ Nam chí Bắc ai cũng thương tôi. Những cầu thủ ở miền Bắc khi vào thi đấu cũng thừa nhận trong Nam đào tạo thủ môn như vậy không dễ đâu”. Ông Rớt cao 1,58m nhưng có những ngón nghề để khiến đối phương lắc đầu ngao ngán.
“Các quả phạt góc, tôi lùn nhưng toàn bay lên bắt ngồi trên vai đối phương. Không phải nhờ ai hết mà tôi tâm niệm chỉ có một điều là trời thương. Chứ mình lùn như vậy, làm sao mà bắt quả bóng rồi đề pa lên vai họ được. Đó không phải đơn giản.
Các quả phạt góc, tôi không bao giờ bị thua bởi những quả đánh đầu đâu. Tôi toàn bay lên đánh trên đầu họ trước. Vì phạt góc dễ áp phe thủ môn, trọng tài không để ý, tôi nhanh nhẹn với các thế võ riêng của mình. Bởi thế khi ngã xuống không bao giờ bị tay hay chân gì cả”, ông kể lại.
Cũng như bao chàng trai đôi mươi, ông Rớt đến với bóng đá cũng chỉ vì đam mê. Thế nhưng, không có gì là ngẫu nhiên. “Bóng đá với tôi cũng chỉ đam mê thôi. Nhưng khi ra chơi, tôi bắt nhiều quả bóng thần sầu quỷ cốc, lãnh đạo đứng xem rồi biết tài mình, kiểu “thằng Rớt có năng khiếu” rồi sau đó các HLV đào tạo bài bản hơn. Lúc trước, họ hay gọi vui tôi là con chim phượng hoàng”, ông Rớt nhớ lại.
Và con chim phượng hoàng như lời ví von của người xưa cũng có những cách tập luyện khác người. Ông bảo rằng: “Ngoài tập cùng tập thể thì tôi còn tự tập. Thủ môn cần 10 ngón tay thật mạnh, dẻo, cứng.
Khi hít đất, họ nạm bàn tay còn tôi hít 10 đầu ngón tay. Mỗi lần lên xuống không hề đơn giản. Tập như thế không ai theo nổi nhưng là sở thích, đam mê thì cần cố gắng. Về sức bật thì tập thể chạy, tôi cũng chạy nhưng có khác. Cứ vài ba mét đề pa nhảy lên, uốn qua bên trái rồi bên phải để giúp người dẻo dai.
Bản thân tôi tự suy nghĩ, tập theo đầu óc của mình. Thủ môn cần sự nhanh nhẹn. Ra sân 11 vị trí thì 10 vị trí sai một quả, họ nói năm ba tiếng rồi xong nhưng thủ môn mà sai một quả thì gieo rắc anh đến cả đời. Người giữ nhà không phải chuyện dễ đâu. Tôi tự tập đến nỗi bạn bè không theo nổi”.
Cả sự nghiệp dài của mình, có lắm câu chuyện như im đậm vào tâm trí ông. Ông nhớ lại: “Đó là trận đấu diễn ra vào năm 1977. Tôi nhớ như in vì nó quá đặc biệt. 3h30 chiều lăn bóng, từ nhà canh khoảng 3h bắt đầu qua sân là vừa.
Tôi vừa đi qua cầu Trường Tiền gặp đứa bạn đi lên ga. Gặp tôi, anh bạn vui lắm vì sắp trễ tàu. Anh ngoắc lại bảo “anh chở giúp em lên ga không sắp trễ tàu rồi”. Lúc đó chỉ 2 đồng mà anh đưa 5 đồng, tôi đưa tiền thừa lại thì anh không nhận, bảo cất để mua bánh cho cháu. Tôi cảm ơn rồi đạp trên ga về thẳng sân Tự Do trong khi trận đấu sắp bắt đầu.
Khi đó vừa tới thì ở cổng số 8, bây giờ là cổng số 1, khán giả ngóng đầu ra nhìn, còn 2-3 phút trọng tài thổi rồi. Khi thấy tôi, mọi người reo lên, vừa la vừa vỗ tay khiến tôi ứa cả nước mắt. Vì thế tôi không bao giờ phụ lòng khán giả”.
Một trận đấu nữa mà người đàn ông ở tuổi 83 nhớ như in là trận giao hữu với Hà Nội nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5. “Trận này ghê gớm lắm. Ai cũng cược Huế thua nhưng rồi tỷ số 0-0. Đó là trận kịch tính. Có quả số 10 đối phương tính đá vào mặt nhưng vừa bắt quả bóng, tôi hất bóng ra, có thế nhưng tôi không chơi xấu đối thủ. HLV biết tình huống đó rồi sau bảo công nhận có tài, có đức.
Ở nhiều trận khác, có những lúc, trước trận, gặp các đối thủ, tôi nói thẳng: đá bóng 5 ăn 5 thua, anh nhanh anh thắng tôi, tôi nhanh tôi thắng anh. Nhưng rút cuộc, họ cố hạ tôi, khi phạt góc đánh củi chỏ nhưng khó lắm, tôi biết cách để né đòn. Nghề mình tránh chừng nào hay chừng đó, mình hại người ta thì có người hại khác lại mình”. Quan điểm làm nghề rành mạch của chàng thủ môn cao 1.58 m.
Ông Rớt cũng chiếm trọn trái tim của NHM với sự hài hước trên sân cỏ lẫn ngoài đời. Ông bảo rằng: “Tôi ra sân khán giả thích lắm vì mình hay giỡn. Khi tôi ra sân tôi lận quả bóng vào bụng như người đang mang bầu. Hay nắm quả bóng cho chạy dài từ bàn tay đến vai. Thế là khán giả cứ cười ồ lên vì thích”.
Thủng lưới 1 bàn, “đút túi” 1 cây vàng
Khán giả cứ thế yêu thương người đàn ông chân chất với gương mặt điển trai. Ông luôn giữ nụ cười hiền hòa trên môi. Thế là, khán giả thương, yêu rồi cho… tiền.
“Đá nhiều trận xong rồi họ cho tiền mà tôi không dám lấy, có khi họ nhét vào tất của tôi. Vì mình lấy, mọi người có thể nghi ngờ mình mua độ, bán độ. Lúc đó tình trạng này nhiều lắm. Tôi không bao giờ lợi dụng mồ hôi của người khác, giấu đầu thì hở đuôi.
Vào Sài Gòn đá cũng thế. Người Trung Quốc mua chuộc tôi từng cây vàng. Họ bảo làm cách nào mà vào lưới một quả là một cây. Tôi lấy vàng đưa lại và nói giờ làm gì cũng giấu đầu hở đuôi. Họ bắt lý làm sao mà biết được thì tôi nói lại: Hai người, người thua, người ăn nhưng người ăn không bao giờ ý kiến còn người thua thì bẩn, nóng. Khi đó sẽ lòi ra liền. Mình mà có ý đồ gì thì mất mặt, nhục nhã cho mình, cho con cái, cho bạn bè. Chỉ nghĩ đến cảnh con cái nghe ba mua bán độ thì có nhục không?
Ở đời tôi không sợ gì ai cả. Tôi nghèo, tôi khổ cực nhưng với tôi, danh dự là quan trọng nhất. Sau này con cái ảnh hưởng, khổ nhất là cái tiếng. Tôi sống không có tiếng xấu trong người”.
Nhọc nhằn mưu sinh gánh xe thồ
Đằng sau con người chính trực đó, ông Rớt cũng như bao thanh niên trai trẻ thời kỳ trước, luôn tìm cách vượt lên cảnh đói nghèo. Ông trải qua nhiều nghề để mưu sinh. Từ thợ sửa đồng hồ cho đến công nhân bốc vác rồi “dừng chân” với nghề xe thồ (xe đạp thuê) rồi sau này là xe ôm (xe máy).
Gia cảnh khó khăn, thời gian đó, ông Rớt cùng vợ nuôi nấng 4 người con. Cuộc sống vất vả, trông chờ vào lương vài đồng cùng nguồn thực phẩm mỗi khi ông đi đầu quân đá bóng. Thế nhưng, để giải quyết gánh nặng cơm áo, ông phải tất tả làm phu xe.
“Xe thồ là nghề mà làm không có cố định thời gian, ai kêu khi nào thì đi khi đó. Ban ngày mới có khách nhưng ban đêm cũng tranh thủ đi. Có khi 11, 12h đêm mới về. Mình phải làm để lo cơm cháo cho con cái. Đá bóng thì đá bóng nhưng phải lo kinh tế gia đình”, ông Rớt kể.
Nhọc nhằn gánh nặng mưu sinh trên chiếc xe đạp nhưng ông Rớt luôn có tính kỷ luật cao với trái bóng tròn. “Chạy xe nhưng tôi không để ảnh hưởng đến tập thể. Tôi tuân thủ nội quy, không bao giờ để lãnh đạo hay HLV có ý kiến vì họ lo cho mình mà mình không quan tâm đến thì không được.
Làm một cầu thủ thì ra sân làm sao để không chệch choạc về tư tưởng. Chệch choạc người ta cười, hổ thẹn lắm. Buổi sáng tập thể dục, buổi chiều tập luyện theo thời gian biểu của BHL”, ông Rớt nói.
Tài năng là thế và cũng được công nhận khi những năm trước năm 1975, ông liên tục được gọi vào đội tuyển miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, vận may chưa mỉm cười với người đàn ông đức độ này. “Trước năm 1975, tôi được tuyển vào đội miền nam Việt Nam cùng Phạm Văn Rạng. Lúc đó, đã phát tiền sắm áo quần, túi xách chuẩn bị lên máy bay nhưng đội chủ quản không cho đi. Cứ tuyển mấy lần nhưng không cho đi vì sợ đi là đội không có ai bắt hết”.
Sau này khi giải nghệ, nhiều lãnh đạo của đội bóng Huế liên tục đến nhà để mời ông về làm công tác huấn luyện nhưng với tính tình cương trực, ông nói thẳng: “Tôi giã từ là giã từ, nam nhi chỉ nói một lời”.
Thế là, ông tiếp tục truân chuyên với phận phu xe. Gia cảnh khốn khó và mãi đến năm 2000, bạn bè, bằng hữu mới gom góp lại, mua ủng hộ ông chiếc xe máy dream cũ. “Đổi đời” và những cuốc xe cũng đỡ nặng nhọc hơn với người đàn ông đã ở tuổi 63 thời đó.
Cứ thế, ông rong ruổi thêm 17 năm nữa. Để rồi, khi con cái can ngăn nhiều quá, ông không còn thường xuyên chạy xe nữa. “Ba năm trở lại đây, tôi chỉ chạy những người quen biết, khi nào khỏe mới chạy còn trước đó, ai gọi thì lên là đi”.
Đã qua giờ trưa, chia tay ông nhưng lòng vẫn trĩu nặng. Ông bảo: “Có bà thì vui nữa, bà cũng vui tính lắm”. Vợ ông, ở tuổi 79 vẫn cần mẫn đi làm thuê. Hai vợ chồng vui sống qua ngày bên ngôi nhà ba gian nhỏ giữa lòng thành phố Huế.
Nguyễn Viết Rớt sinh năm 1937 tại Huế. Ông chỉ cao 1,58m và là một trong những thủ môn chuyên nghiệp có chiều cao khiêm tốn. Ông từng khoác áo nhiều đội bóng trong quá khứ như Phố Hội (Huế), Cảnh sát Huế, đội tuyển quốc gia Việt Nam (của miền Nam). Sau năm 1975, ông tiếp tục khoác áo đội Giao thông vận tải Huế, đội Xây dựng Huế rồi giã từ sự nghiệp khi thi đấu cho đội Bình Trị Thiên.