Các siêu sao bị thoát vị đĩa đệm
Phiền phức, song thoát vị đĩa đệm chẳng phải là không thể chữa dứt. Trường hợp Giovani Rosso – tiền vệ người Croatia của Maccabi Haifa (Israel) vừa phải tuyên bố ngừng chơi bóng ở mùa này ắt hẳn là do anh đã 32 tuổi, nên không tự tin lấy lại phong độ đỉnh cao sau cuộc phẫu thuật. Bởi trước đó, John Terry từng bị thoát vị đĩa đệm hồi tháng 12/2006 khiến cả lưng lẫn bắp đùi đều chịu ảnh hưởng, nhưng sau cuộc phẫu thuật do bác sĩ Jean Destandau thực hiện tại Bordeaux (Pháp) nên phải nghỉ đá 8 tuần, anh dần dần tìm lại được phong độ đỉnh cao để vẫn còn chơi bóng ở tuổi 35.
Theo tiết lộ của tờ News of the World thì thời còn đá cho Man Utd, trung vệ Rio Ferdinand cũng từng có triệu chứng thoát vị đĩa đệm khi đi đứng không tự nhiên, thậm chí chẳng thể tập luyện suốt 5 ngày do ngay cả nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế nệm đều cảm thấy đau ê ẩm. Chịu đựng cơn đau suốt 18 tháng và cầu cứu tới 10 chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, cựu tuyển thủ Anh rốt cuộc đã chữa dứt cơn đau sau khi than phiền vì nó mà khối lượng tập luyện giảm tới 60-70% dưới thời Sir Alex Ferguson. Nhờ đó, anh đã thi đấu tới năm 35 tuổi.
Gareth Bale cũng từng khiến Real Madrid phát hoảng do cần phẫu thuật thoát vị đĩa đệm vào đầu năm 2014. Chuyện này giải thích tại sao sau bản hợp đồng kỷ lục thế giới 86 triệu bảng, ngôi sao xứ Wales sa sút phong độ và phải ngồi ngoài một thời gian do chấn thương. Nhưng cũng chính từ những trường hợp như vậy có thể nhận ra chỉ cần phát hiện sớm và điều trị hợp lý khi cảm thấy lưng bị đau, sưng, cứng nhắc, yếu hoặc cơ thể như bị khóa lại, cầu thủ có thể giải quyết phiền phức do thoát vị đĩa đệm gây ra.
Tại sao thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng tới phong độ cầu thủ?
Trong giới cầu thủ, thoát vị đĩa đệm không phải là chuyện hiếm, thậm chí còn là một trong những vấn đề quen thuộc nhất với bác sĩ của các đội. Bởi lẽ, cột sống của con người chỉ được xem như vỏ bọc linh hoạt và vững mạnh cho tủy sống nhờ dựa vào sự hỗ trợ của các đốt sống và đĩa đệm. Trong ảnh động dưới đây, đĩa đệm được bôi màu đỏ. Qua đó, chúng ta có thể hình dung cột sống con người như những khối hình trụ xếp chồng lên nhau và kết dính bằng những phiến đất sét ở giữa. Trong đó, các khối hình trụ chính là đốt sống, còn đất sét chính là đĩa đệm. Chức năng của đĩa đệm là giúp ổn định chuyển động giữa các đốt sống, giúp các đốt sống hoạt động linh hoạt.
Cấu tạo của đĩa đệm gồm 2 phần: phần nhân nhầy ở giữa và vòng sợi hình chiếc nhẫn quây quanh trông như thân cây. Chứng thoát vị đĩa đệm xảy ra khi phần lưng bị vặn hoặc xoắn mạnh đè nén lên phần đĩa đệm. Khi áp lực đủ lớn, vòng sợi bị bung ra khiến phần nhân lồi lên. Theo tuổi tác, vòng sợi cũng có thể suy yếu, dẫn tới hiện tượng tương tự. Biểu đồ dưới đây có thể mô tả khái niệm cơ bản về nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm. Do đĩa đệm nằm kề các dây thần kinh cột sống nên khi nhân nhầy lồi ra (vì vậy gọi là “thoát vị”), nó ép lên các dây thần kinh cột sống này.
Nếu tủy sống được xem như đường cao tốc truyền cảm giác đến thần kinh, các dây thần kinh cột sống có vai trò như những con đường ra – vào đường cao tốc này. Ví dụ như não bộ muốn đầu gối duỗi ra, cần có một tín hiệu từ não chuyển đến tủy sống, rồi truyền sang dây thần kinh để chuyển cho cơ thực hiện động tác và ngược lại. Bất kỳ gián đoạn này trên hành trình ấy đều dẫn tới đau hoặc tê dại, suy yếu… Chẳng hạn như phần đĩa đệm ở phần lưng dưới bị thoát vị không chỉ gây đau lưng, mà cơn đau có thể lan ra hông, hoặc truyền xuống chân, thậm chí bàn chân.
Do đó, cầu thủ bị thoát vị đĩa đệm ở phần thắt lưng khiến việc đi đứng rất khó khăn, hoặc gần như không thể, chứ chưa bàn tới chạy hoặc đua tốc độ, còn nếu bị ở phần cổ sẽ tác động tới cánh tay. Tình trạng này càng kéo dài càng ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của các bộ phận cơ thể tương ứng. Để điều trị, các bác sĩ thường chườm đá vào chỗ đau, cho uống thuốc kháng viêm và đề nghị cầu thủ nghỉ ngơi. Nếu sau vài tuần mà cầu thủ còn thấy đau, bác sĩ có thể quyết định tiêm chất kích thích cột sống. Phương pháp này mạnh hơn và kháng viêm lâu hơn. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ tạm giảm đau cho đến khi chấm dứt mấy tuần điều trị bằng vật lý trị liệu nhằm giảm sức ép đè lên cột sống.
Nếu đến lúc này cơn đau vẫn chưa dứt, bác sĩ cần yêu cầu giải phẫu để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ đĩa đệm đè lên dây thần kinh cột sống. Vì khi không còn bị chèn ép, các dây thần kinh sẽ bắt đầu hồi phục. Ngoài ra, các bác sĩ có thể sử dụng đĩa đệm nhân tạo để tái tạo sự ổn định cho cột sống và phần nào là sự linh hoạt. Nhưng sau phẫu thuật, cầu thủ thường cần tới vài tháng chứ không chỉ vài tuần để hồi phục, nên họ cần thương lượng với CLB để xác định thời điểm tốt nhất lên bàn mổ.