1. Đặc sản “ông Tây” mắc màn của V-League
Bóng đá Việt Nam từ khi mở cửa cho những cầu thủ ngoại được chơi ở giải VĐQG (2003-2004) suốt ngần ấy năm vẫn quá phụ thuộc vào việc cắm những ông Tây vượt trội về thể hình, thể lực ở khu vực quanh vòng 16m50 cho mục tiêu săn bàn.
Ấy thế mà suốt nhiều năm qua, ngoài Anh Đức, biết bao tiền đạo thực thụ khác của chúng ta không thể cạnh tranh được với những ngoại binh ở vị trí trung phong cắm. Sự khan hiếm đó được thể hiện rõ ngay ở Asian Cup vừa qua, cả ba tiền đạo mà thầy Park đem đến UAE đều chỉ nằm ở độ tuổi dao động từ 21 đến 24 tuổi.
Thậm chí, người được trọng dụng và thi đấu rất thành công tại giải đấu đó, ở vị trí mũi nhọn lại là Công Phượng, một cầu thủ xuất phát trong vai trò hộ công, rồi dần chơi dạt cánh nhiều hơn. Nó gần tương tự cái cách mà Công Vinh từ một tiền vệ cánh dần trở thành chân sút số một trong lịch sử bóng đá Việt Nam vậy.
Nói như thế để thấy rằng, các CLB ở Việt Nam hoàn toàn có thể tạo cơ hội nhiều hơn cho các cầu thủ nội ở vị trí này. Việc CLB Hà Nội để thua trong một thế trận lấn lướt là hệ quả của việc dứt điểm kém mà nổi bật nhất là cái tên Oseni.
Đương kim vua phá lưới V-League đã bỏ lỡ hàng tá cơ hội để “kết liễu đối phương” từ trận gặp Bangkok United cho đến cuộc thư hùng chiều hôm qua. Bởi khi ra sân chơi châu lục, lợi thế thể hình, thể lực không còn quá vượt trội. Nếu như Oseni hay Omar sở hữu một cầu thủ có khả năng dứt điểm tốt hơn, ngưỡng cửa thiên đàng đã không lướt qua Quang Hải và các đồng đội đáng tiếc như vậy.
2. Giải VĐQG thiếu tính cạnh tranh
Nhưng vấn đề phụ thuộc tiền đạo ngoại vẫn chưa phải là yếu tố then chốt. Mà cốt lõi chính là hệ thống giải VĐQG huyên nghiệp nửa vời. Chất lượng của giải đấu không cao khiến CLB Hà Nội như một ông vua sứ mù, để rồi nhận kết cục “chết yểu” khi còn chưa kịp tiến vào vòng bảng AFC Champions League.
Mùa giải trước, thầy trò ông Chu Đình Nghiêm thậm chí còn lập kỷ lục chưa hề có trong lịch sử là vô địch giải đấu sớm trước tận 5 vòng đấu. Rõ ràng, Hà Nội FC quá mạnh so với phần còn lại trong những cuộc đua đường trường, nhờ một lực lượng cầu thủ có chất lượng đồng đều và dồi dào.
Nhưng trong những trận đấu Cup lại là một chuyện hoàn toàn khác, Văn Quyết và các đồng đội không thường xuyên phải bước vào những trận đấu một mất một còn. Ấy thế mà dù đã vô địch V-League 4 lần trong vòng 8 năm qua, nhưng họ cũng đã thất bại cả trong 3 trận chung kết Cup Quốc gia ở thời điểm này và cho đến bây giờ vẫn chưa một lần chinh phục được danh hiệu trên trong lịch sử đội bóng.
Các nhà tổ chức hệ thống giải VĐQG cần phải cải thiều nhiều mặt để nâng cao chất lượng giải đấu, tính cạnh tranh, để tạo điều kiện cho các CLB có dịp có sát với những trận đấu giàu tính chiến đấu sống còn hơn. Hoặc nếu không, với việc Thai-League đang đánh chiếm thị trường Việt Nam, giải VĐQG Việt Nam rất dễ đánh mất đi vị thế của mình ngay trên sân nhà.
3. Mọi thứ đều đang ở lưng chừng
Việc chất lượng của giải đấu không cao gián tiếp khiến nhà ĐKVĐ của chúng ta phải chơi tận từ vòng sơ loại thứ hai mới được góp mặt ở giải đấu danh giá nhất khu vực ở cấp CLB. Điều đó một phần là đến từ việc các đội bóng Việt Nam có thành tích không tốt ở các giải đấu cấp Châu lục, góp phần khiến giải VĐQG ở Việt Nam chỉ xếp thứ 17 ở Châu Á.
Trong khi đó, Thai-League xếp thứ 10 và có một đội giành quyền vào thẳng vòng bảng và hai CLB đấu play-off tranh vé tại sân chơi AFC Champions League. Malaysia cũng xếp thứ 13 và có một suất vào thẳng vòng bảng cùng một vé chơi vòng sơ loại ở sân chơi này.
Còn các CLB Việt Nam vì không có tham vọng ở AFC Cup vì vấn đề tài chính, còn ở đấu trường C1 lại chưa đủ tiềm lực và thiếu kinh nghiệm để có thể đặt mục tiêu nhất định. Vậy đấy, chúng ta đang nằm ở lưng chừng ở rất nhiều vấn đề và việc Hà Nội FC để thua có phần đáng tiếc trước Shandong Luneng không chỉ là vấn đề thuần chuyên môn, mà còn là một phần lỗi mang tính hệ thống mà các nhà làm bóng đá nước nhà cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại.