Ngay khi trúng cử chức danh Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ khoá VIII, ông Cấn Văn Nghĩa đã có những chia sẻ về kế hoạch và định hướng các nguồn thu cho VFF trong những năm tới.
Trong đó, cựu Giám đốc khu liên hợp thể thao Mỹ Đình nêu quan điểm: "Tăng cường nguồn tài chính cho VFF hết sức quan trọng. Nhưng để có tiền cho bóng đá phát triển thì... Thứ nhất, nguồn tài chính cho các tổ chức thành viên và các địa phương, CLB là điều tôi quan tâm. Sau đại hội, tôi tham mưu cho Chủ tịch VFF, phối hợp với các Phó Chủ tịch khác và các ban chức năng VFF để tập trung thực hiện chiến lược phát triển.
Tôi sẽ tập trung vào cơ chế chính sách BĐCN, hiện nay các CLB, địa phương gặp nhiều khó khăn. Tham mưu VFF báo cáo Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT&DL và Chính phủ", ông Nghĩa nói.
Ông Lê Khánh Hải chính thức trở thành tân chủ tịch VFF khoá VIII với 100% đại biểu tán thành. Ảnh: Hải Đăng
Cũng theo tân Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF thì… "Quan điểm của tôi có bóng đá sạch, bóng đá lành mạnh thì mới có nguồn tài chính lớn. Các CLB nếu có điều này sẽ có nguồn tiền từ bán vé, tài trợ. Khán giả đến sân nhiều hơn và có thêm nhiều doanh nghiệp quan tâm. Đó là sự phát triển bền vững".
Một trong những vấn đề mà theo ông Nghĩa, VFF cũng cần quan tâm đặc biệt đó là Trung tâm bóng đá trẻ của VFF. "Chúng ta phải kêu gọi tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho trung tâm. Bởi đây là ngôi nhà của nhiều thế hệ bóng đá Việt Nam, sẽ giúp bóng đá Việt Nam tốt hơn rất nhiều. Chúng ta cần tập trung được điều này mà trước đây chưa làm được", ông Nghĩa cho biết.
Người đứng đầu về tài chính, vận động tài trợ của VFF cũng cho rằng, việc kiếm tiền cho VFF trong 1 năm cũng không cần quá nhiều, điều quan trọng nhất là tìm kiếm được nguồn lực cho công tác đào tạo trẻ. Ông nói: "Chúng ta cần có cơ chế chính sách cho các địa phương có nguồn lực phát triển bóng đá trẻ, bóng đá phong trào.
Ở V.League, nhiều CLB đảm bảo nguồn thu như Hà Nội, HAGL, Thanh Hoá… còn thực tế các CLB khác cũng chưa đảm bảo nguồn thu. Tôi mong muốn làm sao bóng đá phát triển toàn diện để đầu tư cho các địa phương. Đây là việc làm cần thiết".
Điều đau đáu nhất của cựu trưởng ban bóng đá nữ VFF (thời điểm 1999-2008) chính là thu nhập và đời sống cho các cô gái đá bóng. "Tìm kiếm tài trợ cho bóng đá nữ hết sức cần thiết, họ gặp khó khăn khi không có nhiều nhà tài trợ, họ thua thiệt nhiều. Ở các địa phương cũng rất khó khăn. Đây là điều khiếm tôi đau đáu. Sắp tới, tôi cũng sẽ tập trung cho vấn đề này".
Cuối cùng tân Phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ cho rằng, nguồn tài chính của VFF năm sau phải cao hơn năm trước và ít nhất phải tăng được mức tối thiểu thêm từ 110 đến 120 % (năm 2018 nguồn thu của VFF tăng 15% so với kế hoạch năm, trong đó phải kể đến nguồn thu tài trợ từ các Hợp đồng tài trợ cho các ĐTQG. Nguồn thu tiếp thị và vận động tài trợ đạt 92,8 tỉ đồng (bao gồm giá trị tài trợ bằng hiện vật tương đương khoảng 14,3 tỉ đồng).
Những công việc mà ông Cấn Văn Nghĩa từng đảm nhiệm trước khi trúng cử Phó chủ tịch VFF.
KẾT QUẢ BẦU CỬ CÁC CHỨC DANH CHỦ CHỐT VÀ BCH LĐBĐVN KHOÁ VIII (NHIỆM KÌ 2018 – 2022):
Chủ tịch LĐBĐVN: Ông Lê Khánh Hải
03 Phó chủ tịch LĐBĐVN gồm:
Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn: Ông Trần Quốc Tuấn
Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ: Ông Cấn Văn Nghĩa
Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông: Ông Cao Văn Chóng
Kết quả bầu BCH LĐBĐVN khoá VIII (Tổng số Uỷ viên BCH LĐBĐVN khoá VIII là 17, trong đó Chủ tịch và 03 Phó chủ tịch đương nhiên là Uỷ viên BCH theo quy định của Điều lệ):
1. Lê Khánh Hải
2. Trần Quốc Tuấn
3. Cấn Văn Nghĩa
4. Cao Văn Chóng
5. Trần Anh Tú
6. Nguyễn Quốc Hội
7. Lê Văn Thành
8. Phạm Ngọc Tuấn
9. Bùi Xuân Hòa
10. Nguyễn Hồng Thanh
11. Trần Mạnh Hùng
12. Phạm Thanh Hùng
13. Nguyễn Tấn Anh
14. Đỗ Mạnh Dũng
15. Nguyễn Húp
16. Dương Văn Hiền
17. Võ Minh Trí
Tại phiên họp đầu tiên của nhiệm kì mới, Ban chấp hành LĐBĐVN khóa VIII đã thống nhất tiếp tục giao chức vụ Tổng thư ký LĐBĐVN khóa VIII cho ông Lê Hoài Anh.
.