Trước những diễn biến phức tạp từ dịch COVID-19, VPF đã hoãn V.League 2020 lần 3. Phương án được VPF đưa ra là bắt đầu đá trở lại từ ngày 15/4 hoặc 1/5 tùy vào diễn biến của dịch. Đơn vị này còn tính đến phương án “gom” cả 14 đội để đá ở khu vực phía Bắc cho đến hết giai đoạn lượt đi. Đã có 3/14 đội bóng trả lời phản đối phương án này. Trong đó có CLB Quảng Nam.
Trước đó, Chủ tịch CLB Quảng Nam Nguyễn Húp phản đối quyết liệt phương án này. Ông cho rằng, nên hủy V.League 2020 vì sự an toàn của mọi thành viên. “Lấy sứ mạng con người lên hàng đầu, chơi hay không chơi tính sau. Thủ tướng, Bộ Chính trị vào cuộc rồi.
Các nước đều dừng hết rồi. Việt Nam đang bùng phát thì lấy gì tổ chức. Thà hết dịch rồi chơi còn không là hủy giải, dứt khoát như thế. Ý kiến của Thủ tướng đã chỉ đạo rồi. Các ông tổ chức không may gặp rủi ro lây lan thì như thế nào, nguy hiểm vô cùng, mấy ông không thấy nguy hiểm mà cố vớt vát mấy đồng tài trợ. Tôi nghĩ nó không lớn”, ông Húp nói.
Dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường. Mỗi ngày qua đi, ở Việt Nam lại xuất hiện các ca nhiễm mới. Trên thế giới, số ca nhiễm và số ca tử vong tăng chóng mặt. Hầu hết các giải đấu đều hoãn. Thậm chí, các quan chức, HLV hay cầu thủ đều đã nhiễm COVID-19.
Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến V.League nói chung và các CLB nói riêng. Ngoài yếu tố khách quan này, theo ông Húp, vấn đề về kinh tế sẽ tác động lớn đến đội bóng nếu ra Bắc thi đấu. Ông Húp bày tỏ thẳng thắn: “Tôi đã trốn dịch mất tiền rồi, kéo ra Bắc mất tiếp hai khoản tiền nữa: Đó là tiền ăn ở, di chuyển và tiền tài trợ mất luôn. Như CLB Quảng Nam, đội sẽ mất 20 tỷ đồng nếu như đá ngoài bắc. Họ (nhà tài trợ) chỉ tài trợ tổ chức sân Quảng Nam, nếu như tổ chức sân khác thì cắt tài trợ mất 20 tỷ. Đó là số tiền lớn; chưa kể đá sân nhà, các anh sân nhà được lợi đủ thứ nên tôi không ủng hộ được”.
“Nếu được, mấy ông (VPF) nên hỏi CLB, theo anh để giải tiến hành trơn tru thì nên làm gì thì mình sẽ tham mưu một cách tích cực. Chứ làm kiểu này không ai tham mưu đâu. Bởi vì bất lợi cho mình quá. Chúng tôi không yêu cầu phải có quyền lợi này mà phải đảm bảo yêu cầu về mặt tài chính của CLB. Ông tài trợ cho tôi mấy chục tỷ đi, tôi ra đá cho. Tôi đã góp ý bao nhiêu lần mà cố đấm ăn xôi.
Như tỉnh Quảng Nam thì không bao giờ cho đi. Mấy ông nên hỏi ý kiến CLB rồi chúng tôi tham mưu ý kiến, như thế lợi đôi đường. Đội bóng của tỉnh chứ phải đội bóng của mấy ông đâu mà muốn đưa ra phương án nào là đưa”, Chủ tịch của CLB Quảng Nam nói thêm.
Theo ông Húp, số tiền để các CLB chi ra hoạt động hàng tháng rất lớn. “Họ (VPF) không tính ra tiền, hiện CLB chi ra bao nhiêu một tháng. Số tiền đó rất lớn. Tôi tính bình quân có CLB nhiều, CLB ít, một mùa giải, đội bóng ở V.League chi 60 tỷ đồng cho 10 tháng, bình quân là 6 tỷ đồng/tháng. Con số đó nhân 14 CLB. Hạng Nhất bình quân 20 tỷ, như CLB Bình Định là 45 tỷ. Thử làm con số là bao nhiêu tiền. Các ông phải tính cho chúng tôi chứ tài trợ trên đó mấy đồng bạc lắm”, ông Húp nói.
Hiện tại, CLB Quảng Nam vẫn tập luyện bình thường trong thời gian qua. Đội bóng vẫn chưa tính đến phương án cắt giảm lương cầu thủ. “Người lao động vẫn tập luyện tại sao không trả lương. Tôi thuê anh về lao động mà anh đang lao động tại sao không trả lương được. Một tháng CLB phải trả hơn 1 tỷ.
Phí lót tay đã chi, thiên tai dịch bệnh tôi phải đàm phán lại, trong hợp đồng tôi có ghi. Với tất cả cầu thủ, Quảng Nam vẫn trả lương 100%. Bây giờ các doanh nghiệp bí hết trơn, bóng đá sống dựa vào doanh nghiệp nhưng giờ doanh nghiệp chết rứa thì có thể chậm lương. Bình thường đầu tháng trả nhưng giờ mùng 10 của tháng, có thể chậm, chắc chắn điều này xảy ra và cầu thủ phải đồng lòng”, ông Húp nói.
Ở đầu mùa giải năm nay, Quảng Nam FC ký hợp đồng với nhà tài trợ Tập đoàn Đất Quảng với số tiền 20 tỷ đồng. Được biết, ngoài nguồn thu này, Quảng Nam FC còn hoạt động dựa vào ngân sách 16,5 tỷ đồng từ UBND tỉnh phân bổ và hoạt động do chính từ Công ty cổ phần đầu tư QNK. Tuy vậy, trong những năm trở lại đây, tình hình kinh tế của Công ty QNK không còn mạnh như giai đoạn 2014-2017 nên vấn đề tài chính của đội bị ảnh hưởng.