"Virus Corona" là một trong những từ khóa hot nhất hiện nay trên nhiều mạng xã hội, hay diễn đàn y tế thế giới. Trên nhiều bản báo cáo y tế, nó được gọi với cái tên "virus Vũ Hán", bởi loại virus này được cho là xuất phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Virus Corona đang bùng phát là loại virus mới nhất thuộc chủng Corona (chủng của các loại virus gây ra các bệnh đường hô hấp). "Virus Vũ Hán" thường gây Viêm phổi cấp và các bệnh liên quan, trong số ít trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Tính đến sáng 30/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận có ít nhất 7.771 ca nhiễm virus Corona ở 16 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới - toàn bộ các địa phương ở Trung Quốc, khoảng 70 ca ở nước khác. Ngoài ra, chính quyền địa phương ghi nhận được, đã có ít nhất 170 ca tử vong.
Bởi vậy, các quốc gia trên thế giới đang siết chặt đường biên giới và xuất nhập cảnh, hạn chế số chế số người đến từ Vũ Hán. Bản thân trong tỉnh Vũ Hán, chính sách "nội bất xuất, ngoại bất nhập" cũng được đưa ra. Nhiều người ngoại quốc đã có thể di dời theo chính sách của từng quốc gia nhưng người dân địa phương thì không.
Điều này không chỉ ảnh hướng đến cả nền kinh tế - chính trị Trung Quốc nói chung mà còn liên lụy rất nhiều đến nền bóng đá của đất nước tỉ dân.
Nặng nề nhất có lẽ kể tới bóng đá nữ Trung Quốc, hành trình thi đấu vòng loại Olympic của đội tuyển này thực sự rất chông gai. Theo lịch trình ban đầu, bảng B vòng loại Olympic Tokyo 2020 môn bóng đá nữ gồm các đội tuyển nữ Trung Quốc, Australia, Đài Loan và Thái Lan sẽ thi đấu tại Vũ Hán. Nhưng vì đại dịch virus Corona bùng phát nên LĐBĐ Châu Á (AFC) quyết định thay đổi địa điểm thi đấu.
Ngày 22/1, AFC đã quyết định chuyển địa điểm thi đấu sang Nam Kinh (Trung Quốc) nhưng vẫn chưa thể làm yên tâm các đội tham dự, nhất là khi ĐTQG nữ Trung Quốc vẫn tập luyện ở Vũ Hán. Bốn ngày sau, cơ quan cao nhất bóng đá Châu Á đã chốt Sydney (Australia) là địa điểm thi đấu bảng B bóng đá nữ vòng loại Olympic Tokyo 2020. Thế nhưng, việc di chuyển xa vẫn chưa phải là trở ngại cuối cùng với tuyển nữ Trung Quốc.
Ngay khi đặt chân đến Australia, các cầu thủ nữ Trung Quốc đều bị kiểm tra y tế một cách gắt gao. Thậm chí, toàn đội bị cách ly, kiểm soát chặt chẽ dù kết quả kiểm tra không có ai bị nhiễm bệnh. Bốn cầu thủ đến từ Vũ Hán bao gồm Wang Shuang, Yao Wei, Lu Yueyun và Li Mengwen còn phải chia tay các đồng đội để theo dõi riêng.
Dù đã có rất nhiều cầu thủ, HLV phát động chiến dịch và tự mình quyên góp giúp Vũ Hán vượt qua khó khăn. "Messi nữ Trung Quốc" - Wang Shuang chi khoảng 600.000 NDT giúp đỡ quê hương Vũ Hán, HLV ĐTQG nam Trung Quốc Li Tie thậm chí "dốc hầu bao" đến hơn 1 triệu NDT. Hay như bộ đôi Wu Xi và Li Ang của CLB Giang Tô Thuấn Thiên, đã cùng mua đến hàng ngàn chiếc khẩu trang để quyên tặng cho người dân Vũ Hán ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.
Mới đây nhất, LĐBĐ Trung Quốc đã buộc phải tạm hoãn tất cả trận đấu thuộc các cấp giải VĐQG bởi sự bùng phát của dịch bệnh. Với tình hình hiện tại, lịch thi đấu nhiều khả năng sẽ bị hoãn vô thời hạn. Bản thân các cầu thủ có quê tại Vũ Hán cũng không thể trở về nhà trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi. Đa số họ đều phải ở lại trại huấn luyện tại Quảng Châu, hoặc di chuyển cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
CLB địa phương - Vũ Hán Trác Nhĩ cũng phải kiểm soát gắt gao các cầu thủ của mình. Đồng thời, đội bóng này phát đi thông điệp: "Chúng tôi luôn chiến đấu vì Vũ Hán. Tất cả cầu thủ vẫn sẽ tiếp tục công việc, chung tay bảo vệ thành phố. Vũ Hán chưa bao giờ bỏ cuộc và chắc chắn sẽ vượt qua được khó khăn".
Trong diễn biến mới nhất, việc Tây Ban Nha cho phép các cầu thủ CLB Vũ Hán Trác Nhĩ nhập cảnh và tập luyện là một động thái tích cực. Cơ quan y tế Andalucia cho biết, các cầu thủ vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào liên quan đến virus. Những điều này có thể xem là cách bóng đá Trung Quốc chuyển mình. Nếu chứng minh cho thế giới thấy, họ có thể kiểm soát được tình hình, lo ngại về vấn đề thi đấu tại sân chơi châu lục có lẽ sẽ được gỡ bỏ.