Quyết định hủy V.League 2021 dựa trên cơ sở nào?

thứ ba 24-8-2021 15:40:11 +07:00 0 bình luận
Tại cuộc họp trực tuyến BCH VFF ngày 21/8, 15/16 thành viên góp mặt thống nhất hủy V.League 2021 vì dịch COVID-19.

Đến chiều ngày 24/8, tại cuộc họp trực tuyến triển khai nội dung định hướng của BCH VFF cho các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021, 27 đại diện V.League và hạng Nhất đã đồng ý và chính thức hủy các giải đấu chuyên nghiệp trong năm 2021. 

Quyết định hủy giải dựa trên điều lệ, quy định nào?

- Quyết định này không có trong quy định, điều lệ mà dựa theo đề xuất của nhiều CLB do tình hình dịch bệnh kéo dài và có khả năng đến thời điểm đó không thể thi đấu được. Nhà nước đang tập trung chống dịch, tất cả hoạt động đều nằm trong khuôn khổ pháp luật. 

Thêm một quyết định lịch sử khi V.League 2021 bị hủy.

Điều lệ quy định về chuyên môn còn thiên tai dịch bệnh là yếu tố khách quan. Dịch COVID-19 được dự báo sẽ kéo dài. Trên cơ sở đó, BCH cho ý kiến, Chủ tịch VFF đưa ra kết luận. 

Trong văn bản, điều lệ không có nhưng cơ quan lãnh đạo tối cao là BCH Liên đoàn bóng đá Việt Nam căn cứ vào tình hình thực tế thống nhất chủ trương dừng. Đó là thẩm quyền của Liên đoàn. Đây là cuộc chơi mang tính chất hội hè và đang điều chỉnh lại Nghị định 45 của Chính phủ về Hội. Luật chơi thống nhất với nhau vì lý do khách quan.

BCH đồng ý coi như đã thống nhất. Và bản thân trong BCH có đại diện của các CLB. Xác định đội nào vô địch hay không, xuống hạng hay không do VPF quyết định vì là BTC giải.

Ai có quyền quyết định lớn nhất việc hủy giải?

- BCH VFF có quyền quyết định. 15/16 thành viên góp mặt thì cả 15 thành viên đều đồng ý hủy. Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải là người đưa ra kết luận. Đây là cuộc họp mang tính đột xuất vì là thiên tai, dịch bệnh. 

Quyết định được đưa ra sau cuộc họp bất thường BCH VFF.

Nếu hủy giải thì lương, lót tay của cầu thủ được giải quyết như thế nào?

- Trong hợp đồng cầu thủ có đề cập vấn đề này. Nếu thiên tai, dịch bệnh kéo dài 6 tháng mà không thi đấu được thì hai bên ngồi lại đàm phán chuyện lương, phí lót tay. Mỗi CLB có các bản hợp đồng khác nhau nhưng đây là khung để các CLB và cầu thủ tham chiếu.

Thông thường, BLĐ mời HLV, đội trưởng, đội phó ngồi lại để truyền đạt. Đây là sự việc không ai mong muốn, tất cả đều cùng chia sẻ. Cầu thủ cũng vậy. Vấn đề là xử lý bao nhiêu phần trăm. Xử lý theo hướng cả lý và tình.

Đội bóng phải làm thế nào để thấy số tiền đó gia đình họ đủ sống từng tháng, từng tháng. Đó là căn cứ vào hợp đồng dân sự còn nếu có kiện tụng thì giải quyết ở tòa án. 

Nếu hủy thì trả quyền lợi ra sao cho các nhà tài trợ?

- Trong hợp đồng các CLB cũng có ghi điều khoản về thiên tai, dịch bệnh với các nhà tài trợ. Các quyền lợi và trách nhiệm ra sao tùy vào các điều khoản hợp đồng đã ký. 

- Việc hủy giải dù với lý do bất khả kháng không chỉ khiến VPF bị thiệt hại về doanh thu mà còn là uy tín, hình ảnh của giải đấu sẽ bị ảnh hưởng trong con mắt của nhà tài trợ. Điều đáng lo ngại khác là hệ quả từ quyết định hủy giải có thể dẫn đến việc các nhà tài trợ đánh giá thấp giá trị về hình ảnh của giải đấu, gây nhiều khó khăn cho các cuộc đàm phán trong tương lai.

- Về phía các nhà tài trợ, việc hủy V.League 2021 đồng nghĩa kế hoạch truyền thông, quảng bá thương hiệu bị ảnh hưởng. 

- Về phía VPF, đơn vị này sẽ lên phương án xử lý cũng như đàm phán với 5 nhà tài trợ, 3 đối tác về thiệt hại từ các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng kinh tế. 

“Rất nhiều các vấn đề khó khăn trong năm nay và cho những năm sau. Thế nên, chúng tôi sẽ đàm phán lại với nhà tài trợ”, TGĐ VPF Nguyễn Minh Ngọc cho biết.

Việc hủy ở thời điểm này có ý nghĩa như thế nào về mặt kinh tế?

- Theo chia sẻ của một thành viên trong BCH VFF, hủy lúc này giúp các CLB dễ thở về mặt tài chính hơn đến thời điểm VPF đưa ra. "Tính sơ qua, 14 CLB V.League và 13 CLB hạng Nhất cũng tốn 270 tỷ đồng. Mỗi CLB V.League 15 tỷ, hạng Nhất 5 tỷ. Đó là tính thấp nhất chứ có CLB hơn cả 20 tỷ. Số tiền này lớn hơn nhiều so với con số tiền của nhà tài trợ cho giải đấu.

Nếu kéo dài đến tháng 2/2022, CLB phải trả lương, phí lót tay cho cầu thủ. Bây giờ không đá nữa thì lương, phí giảm xuống; đỡ nhiều lắm.

Theo điều lệ cũ, đến tháng 9 kết thúc mùa giải thì hợp đồng với các ngoại binh đến tháng 9 sẽ hết hạn. Giờ đang tháng 8 cũng chấp nhận thanh lý sớm. Nếu không đá, phí lót tay giảm xuống cũng phải hơn 50%".

VPF hỗ trợ gì cho các đội bóng?

- "Đơn vị tổ chức giải cần có động thái đó, không nhiều thì ít. Chẳng hạn mỗi CLB V.League cho 500 triệu, hạng Nhất hỗ trợ 100 triệu. Động thái này để gọi là gắn bó với các CLB vì VPF “sống” là nhờ vào các CLB. 

Nhìn sang giải VĐQG Thái Lan, tiền bản quyền và tiền hỗ trợ cho đội bóng rất lớn. Ở mình thì cứ mấy CLB đều nộp. Phải thay đổi tư duy là VPF nuôi CLB chứ không phải là CLB nuôi VPF. Nuôi ở đây không phải là nuôi hết mà ít nhiều phải có tư tưởng như vậy", vẫn thành viên trong BCH VFF nói 

Tìm giải pháp đối với NHM mua vé theo mùa

Do V.League 2021 mới diễn ra vòng 12 và chưa xác định toàn bộ Top 6 đua vô địch và Top 8 chống xuống hạng nên các CLB chưa thể tìm giải pháp để trả quyền lợi cho NHM. Theo đó, dựa vào các kế hoạch mùa giải mới, các CLB sẽ tính toán để bồi hoàn số trận phù hợp cho NHM mua vé theo mùa ở V.League 2021.

Các giải VĐQG châu Âu từng hủy bỏ vì dịch COVID-19 thế nào

Đầu tiên phải kể đến giải vô địch Pháp Ligue 1, giải đấu phải dừng lại sau vòng 28. Mùa giải bắt đầu vào ngày 9/8/2019 và kết thúc sớm vào 8/3/2020 do đại dịch COVID-19 ở đất nước hình lục lăng và cấm tất cả các sự kiện thể thao cho đến tháng 9.

PSG được trao chức vô địch Ligue 1 2019/2020 sau khi giải đấu này dừng vì COVID-19.

Vào ngày 30/4/2020, Ligue de Football Professionnel (Giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp Pháp, LFP) bỏ phiếu chính thức kết thúc giải và xác định thứ hạng cuối cùng bằng cách tính đến chỉ số hiệu suất (tỷ lệ) theo số điểm giành được đối với tất cả các trận đấu đã đấu. PSG được tuyên bố là nhà vô địch, còn Amiens và Toulouse phải xuống hạng.

PSG đứng đầu bảng xếp hạng với 12 điểm với một trận chơi ít hơn vào thời điểm giải đấu tạm dừng. Marseille và Rennes sau đó được trao 2 suất dự Champions League khác dựa trên thứ hạng của mình khi giải đấu bị hủy bỏ.

Hồi tháng 6, Tòa án hành chính cấp cao của Pháp đã giữ nguyên quyết định hủy bỏ phần còn lại của mùa giải và phán quyết về việc Amiens và Toulouse xuống hạng 2.

Tòa án đưa ra phán quyết sau khi Chủ tịch Jean-Michel Aulas của Lyon và 2 CLB phải xuống hạng đưa vụ việc ra tòa. Amiens và Toulouse yêu cầu hủy bỏ suất xuống hạng, trong khi Lyon đòi Liên đoàn phải thi đấu 10 trận còn lại.

Trong phán quyết của mình, thẩm phán cho rằng ban lãnh đạo giải VĐQG Pháp không thể đưa ra quyết định hủy 2 suất xuống hạng tại Ligue 1 vì thỏa thuận ký kết với Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) quy định giới hạn 20 câu lạc bộ.

Ligue 1 là giải duy nhất trong số 7 giải đấu lớn nhất châu Âu lựa chọn kết thúc sớm. Trong khi đó, giải vô địch Hà Lan Eredivisie quyết định hủy mùa giải mà không có bất kỳ nhà vô địch nào, xuống hạng và thăng hạng.

Eredivisie của Hà Lan trở thành giải bóng đá lớn ở châu Âu đầu tiên hủy bỏ mùa giải để đối phó với đại dịch. Sau một cuộc bỏ phiếu được tiến hành để xác định cách giải quyết tốt nhất việc thăng hạng và xuống hạng, KNVB (Liên đoàn bóng đá Hà Lan) được trao quyền đưa ra quyết định.

Giải VĐQG Hà Lan không có nhà vô địch ở mùa giải 2019/2020.

Tại Bỉ, vào ngày 2/4/2020, ban lãnh đạo Jupiler Pro League (giải vô địch Bỉ) đã đồng ý đề xuất hủy bỏ mùa giải sớm trong đại dịch COVID-19.

Quyết định có chấp nhận đề xuất này ban đầu được thông qua cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp vào ngày 15/4/2020, nhưng đã bị hoãn ba lần. Đề xuất cuối cùng đã được Đại hội đồng chấp nhận vào ngày 15/5/2020, xác nhận Club Brugge là nhà vô địch theo đúng vị trí kết thúc khi giải đấu dừng lại.

Đáng chú ý, Waasland-Beveren lẽ ra đã xuống hạng do xếp cuối cùng. Tuy nhiên, sau các thủ tục pháp lý, Giải bóng đá chuyên nghiệp Bỉ cuối cùng bỏ phiếu ủng hộ việc mở rộng giải hạng Nhất Bỉ 2020/21 lên 18 đội, có nghĩa là Waasland-Beveren thoát hiểm, còn cả Leuven và Beerschot đều lên hạng.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm