Phân tán để giãn cách
Ngày 25/7, thành phố Đà Nẵng ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày cả nước không có trường hợp nhiễm bệnh nào. Từ thời điểm đó đến 18h ngày 13/8, 15 tỉnh thành có ca nhiễm cộng đồng. Trong đó, Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề.
Thành phố Đà Nẵng có 308 ca nhiễm, 12 ca tử vong. Quảng Nam đứng thứ 2 với 83 ca nhiễm, số ca tử vong là 6. Những diễn biến phức tạp đó đặt hai địa phương vào tình thế cấp bách khi thực hiện giãn cách xã hội. Mới nhất, UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành văn bản thực hiện tiếp cách ly xã hội từ 0h00 ngày 12/8 với thời hạn không xác định. Đối với tỉnh Quảng Nam từ 0h00 ngày 14/8. Theo đó, các hoạt động vui chơi giải trí đều tạm ngừng, không tập trung quá 20 người.
Quảng Nam FC và SHB Đà Nẵng đều phải theo dõi sát sao sự chỉ đạo từ chính quyền địa phương để đưa ra những giải pháp. Cuối cùng, tất cả đều chọn phân tán để giãn cách xã hội. Các cầu thủ địa phương và ngoại binh của SHB Đà Nẵng được cho phép trở về nhà còn những cầu thủ còn lại ở đại bản doanh đội bóng. CLB Quảng Nam cho tất cả thành viên trong đội trở về nhà vào ngày 4/8 vừa qua.
Sốt ruột chờ tập luyện
Có một vài thành viên từng đến Bệnh viện Đà Nẵng. Vợ của một nhân viên trực tiếp tiếp xúc với người mắc COVID-19 nên trong những ngày qua, đại bản doanh của SHB Đà Nẵng luôn trong tình trạng nơm nớp lo lắng. Sáng ngày 12/8, khi Chủ tịch CLB Bùi Xuân Hòa thông báo toàn bộ thành viên đều âm tính, sự nhẹ nhõm mới hiện về. Thế nhưng, sau đó là nỗi âu lo vì các kế hoạch tập luyện chưa được lên.
“Chỉ sau khi có kết quả, chúng tôi mới bàn kế hoạch được nhưng tất cả cũng phải dựa trên tình hình diễn biến của dịch ở địa phương”, ông Hòa nói. So với người láng giềng Quảng Nam FC, SHB Đà Nẵng còn gặp “may” ở khía cạnh gom quân bởi quân số của họ đều đang ở địa phương.
Quảng Nam FC đã cho các cầu thủ trở về nhà vào ngày 4/8. “Tôi muốn tập trung cầu thủ để tập luyện duy trì thường xuyên. Thế nhưng vì giãn cách xã hội nên đành chấp nhận cho cầu thủ về nhà; phải đảm bảo sức khỏe cho cầu thủ, cộng đồng”, HLV Đào Quang Hùng chia sẻ.
Ngoài các cầu thủ, những thành viên trong đội bóng đều được phép trở về nhà. Ông Hùng cùng một số thành viên quay về Đà Nẵng. Để trở lại Tam Kỳ, ông phải trải qua quá trình xét nghiệm gắt gao. Theo dự kiến, Quảng Nam FC sẽ hội quân ngày 12/8 nhưng vì dịch diễn biến phức tạp, toàn đội dời lại ngày 16/8.
Để có “giấy thông hành” trở lại Tam Kỳ, ông Hùng cùng một số thành viên trải qua cuộc kiểm tra y tế vào ngày 11/8; đến ngày 14/8 mới có kết quả. Khi vào đến Tam Kỳ, các thành viên đều phải cách ly tập trung ở đội trong vòng 14 ngày. Các cầu thủ từ vùng dịch trở về cũng đều phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Khi trở lại tập luyện, Quảng Nam FC phải trình lãnh đạo địa phương mới có thể tập luyện tập trung bởi UBND tỉnh ban hành chỉ thị cấm tụ tập đông người. Bởi vậy, đội chủ sân Tam Kỳ bị động và chưa thể quyết định ngày hội quân chính thức. “Tôi dự kiến chủ nhật (16/8) hội quân nhưng chưa chắc vì thêm mấy ca mắc COVID-19 ở Tam Kỳ, cứ để đó từ từ tính”, Chủ tịch CLB Quảng Nam, Nguyễn Húp cho biết.
Trong khi các đội bóng khác đã và đang quay trở lại tập luyện, Quảng Nam FC không tự quyết cho việc tập hay không. “Thấy các đội tập tôi cũng sốt ruột. Mấy đội vùng không có dịch tập luyện dễ, còn Quảng Nam vị trí đã thấp mà lại rơi vào hoàn cảnh này thì quá khó. Không tập, rất khó cho chúng tôi. Tôi không muốn trở về nhà thời điểm này mà muốn thời gian này tập trung cùng anh em, có thời gian chỉnh sửa kỹ chiến thuật, thể lực”, HLV Đào Quang Hùng trăn trở.
Quảng Nam FC không đồng ý với hai phương án từ VPF
VPF vừa gửi đến các CLB tham dự các giải chuyên nghiệp về hai phương án trở lại. Theo Chủ tịch CLB Nguyễn Húp, Quảng Nam FC không đồng ý với hai phương án kể trên. "Tôi thấy cả hai đều không hợp lý. Một phương án ngày 5/9 và một phương án trở lại ngày 13/9. Đối với phương án 1, ở thời điểm hiện tại, hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng thực hiện lệnh giãn cách xã hội từ chính quyền. Chưa có ngày cụ thể nhưng tôi thử lấy khoảng thời gian giãn cách lần này là 15 ngày; tức đến ngày 27/8. Vậy, liệu ngày 5/9 đá lại được không, chắc chắn không được rồi.
Phương án 2, nếu giải đấu đá gần hết tháng 12 thì công tác chuẩn bị cho mùa giải mới cần tối thiểu 60-70 ngày. Ngày 15/1 các đội bóng tập trung, đá tháng 12 thì thời gian đâu cho mùa giải mới.
Nếu kéo dài mùa giải, các CLB tốn kém thêm 2 tháng, mất 6 tỷ nữa, đề nghị VPF hỗ trợ mỗi CLB 5 tỷ đồng. Bởi đội bóng ký ngoại binh cùng HLV nội đến ngày 31/10. Thời gian đó để chuẩn bị cho mùa giải mới chứ không có ai chuẩn bị một tháng để thi đấu lại mùa giải mới được. Nếu phương án đưa hai đội Đà Nẵng và Quảng Nam đi chỗ khác thì cần 14 ngày cách ly và 21 ngày tập luyện. Phương án nào cũng bể, chỉ dừng lại là hợp lý, là chủ động”, ông Húp nói.