PVF chuyển giao Văn Lang: Lấy gì để tin vào sứ mệnh World Cup cho bóng đá Việt Nam?

Huy Kha
thứ năm 11-2-2021 7:24:13 +07:00 0 bình luận
Tập đoàn Giáo dục Văn Lang được chuyển giao để sở hữu toàn bộ cơ sở vật chất cũng như nguồn lực con người từ PVF. Dư luận đang chờ đợi hướng đi tiếp theo của chủ mới để hoàn thành sứ mệnh góp phần đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup như tuyên bố trước đây từ giới chủ PVF.

Ngày 2/2/2021, trong thông cáo báo chí phát đi, Tập đoàn Vingroup công bố tặng toàn bộ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF cho Tập đoàn Văn Lang. PVF vốn là trung tâm bóng đá được đánh giá hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á. Với cơ sở vật chất hiện đại, PVF cũng có thể sánh bước cùng các trung tâm bóng đá hàng đầu châu lục. Huyền thoại của Man United, Ryan Giggs đánh giá, các điều kiện ở đây còn có thể ngang bằng trung tâm Carrington của Quỷ đỏ.

Tất nhiên, mọi so sánh đều chỉ ở chừng mực tham khảo. Song, nếu nhìn vào cơ ngơi, sự bề thế cùng xu hướng hiện đại, PVF là chân trời mơ ước của mọi ông chủ làm bóng đá. Không chỉ ở khía cạnh cơ sở vật chất, con người của PVF cũng được đánh giá cao. Những danh hiệu ở các giải trẻ, các cá nhân đóng góp cho các ĐTQG một phần nào đó minh chứng sự thành công nhất định ở khía cạnh chuyên môn. Ngoài ra, PVF còn là địa chỉ đỏ của mọi cầu thủ ở Việt Nam mong muốn tìm đến để chữa trị chấn thương.

Quy mô bề thế của trung tâm PVF.

Nơi đây hội tụ mọi yếu tố cần và đủ cho sự phát triển của một cầu thủ. Thế nhưng, đi kèm theo đó là khoản tiền đầu tư khổng lồ. Theo tìm hiểu, để vận hành cả hệ thống, mỗi tháng, giới chủ PVF chi ra không dưới 100 tỷ đồng.

Cán cân để tạo ra sự ổn định chính là không lỗ về mặt tài chính; tức là, làm sao để mang về doanh thu hàng tháng không dưới 100 tỷ đồng. Đây là bài toán nan giải với bóng đá Việt Nam. PVF vốn theo triết lý đầu tư không phải để bán. Mới nhất, họ chuyển toàn bộ tiền chuyển nhượng cho gia đình các cầu thủ khi tốt nghiệp. Một hành động nhân văn.

Tuy vậy, vấn đề lợi nhuận thu về từ kinh tế làm bóng đá lại là bài toán hóc búa. Đây là khái niệm xa xỉ với bóng đá Việt Nam, nhất là ở khía cạnh kiếm thật nhiều tiền từ bán cầu thủ. Khó để một CLB kiếm về hàng chục tỷ đồng khi bán cầu thủ mà hầu hết; các thương vụ mua bán đi ngược lại với xu thế chung của thời đại. Đó là cầu thủ được hưởng lót tay rồi nhận mức lương khiêm tốn.

CLB cũ của cầu thủ đó hầu như không nhận được mức phí chuyển nhượng nào. Tất nhiên, đó là do các thương vụ mua bán đều xảy ra ở dạng chuyển nhượng tự do; thậm chí, dù vẫn còn hợp đồng nhưng những điều khoản cài cắm khiến cầu thủ có thể ra đi sớm hơn vẫn “theo dạng tự do” mà CLB không hưởng đồng nào. 

Kinh tế từ mua, bán cầu thủ đóng vai trò then chốt với bất cứ đội bóng nào trên thế giới. Nhưng với Việt Nam thì vẫn là khái niệm ở “thì tương lai”. Ngoài ra, các khoản khác như giá trị hình ảnh, bán vé tham quan, bán áo đấu,…chưa mang lại giá trị về vật chất ở các CLB trong nước. 

Nguồn thu lớn của PVF là từ công tác chữa trị chấn thương. 

Theo tìm hiểu, với PVF, một trong những nguồn thu “ăn đứt” các Trung tâm cũng như CLB khác là về y tế. Họ là địa chỉ đỏ để các cầu thủ tìm đến chữa trị chấn thương. Tuy vậy, giá trị mang lại không quá cao so với mức chi phí bỏ ra hàng tháng. Rõ ràng, kiếm được tiền để nuôi bóng đá ở Việt Nam là bài toán nan giải. Dựa vào thực tiễn đó, có thể thấy, để vận hành trơn tru cả hệ thống đắt đỏ như ở PVF, ông chủ Phạm Nhật Vượng tiêu tốn số tiền không nhỏ. Ông chủ Tập đoàn Vingroup chịu chơi khi tìm đến những huyền thoại của Man United như Ryan Giggs hay Paul Scholes để mơ về World Cup. 2030 rồi rút xuống 2026 là mục tiêu mà giới chủ PVF nhắm đến để góp phần đưa bóng đá Việt Nam đến với VCK World Cup. 

Giấc mơ đó có sự tương hỗ rất lớn từ nguồn lực kinh tế. Và khi Vingroup chuyển giao cho Văn Lang, dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề, ông chủ mới sẽ làm gì để tiếp tục vận hành hệ thống đắt đỏ đó. Ngoài ra, bài toán kinh tế với mỗi doanh nghiệp là làm sao để kiếm ra lời. 

Trong thông cáo gửi đến truyền thông khi nhận lại PVF từ Vingroup, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, Nguyễn Cao Trí nhấn mạnh:“Xây dựng và phát triển Học viện bóng đá trẻ gắn với cộng đồng và văn minh là mong muốn chúng tôi ấp ủ từ lâu. PVF là cơ hội tuyệt vời để Tập đoàn Giáo dục Văn Lang hiện thực hóa nhanh chóng và hiệu quả kế hoạch này. Với cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu Việt Nam và đội ngũ chuyên nghiệp của PVF, chúng tôi mong góp phần cung cấp nguồn cầu thủ chất lượng cao cho bóng đá Việt Nam, trong đó có bóng đá TP.HCM”. 

Lời phát biểu theo giới chuyên môn là “an toàn”. Họ tiếp tục sứ mệnh phát triển đào tạo trẻ gắn với cộng đồng và văn minh. Tuy vậy, cốt lõi là tiếp nối giấc mơ World Cup mà PVF tuyên bố trước đó, vẫn là câu chuyện “chưa thấy đâu”. 

Theo ông Trí, Văn Lang sẽ đưa ra lộ trình mới sau khi quá trình tiếp nhận hoàn tất. “Quá trình tiếp nhận PVF đến tháng 3 mới hoàn tất, Tập đoàn giáo dục Văn Lang cần có thời gian kiểm tra, đánh giá cụ thể. Sau khi xem xét và đưa ra lộ trình hướng đi, chúng tôi sẽ có thông cáo với truyền thông. Hiện tại chúng tôi chưa thể tiết lộ gì thêm”, ông Trí cho biết.

Tất cả mới chỉ là sự khởi đầu và NHM đang chờ đợi Tập đoàn Văn Lang sẽ làm gì tiếp theo với Trung tâm PVF hoành tráng. Họ sẽ xoay sở thế nào với bài toán kiếm lời khi vận hành một trung tâm có chi phí đắt đỏ như PVF? Và liệu giấc mơ World Cup có được viết tiếp hay sẽ gắn chặt bóng đá trẻ với cộng đồng và văn minh? 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm