Thật ra ý tôi muốn nói là "cái giá" của bóng đá bởi những câu chuyện gần đây, có vẻ như bóng đá khiến người ta phải trả giá quá nhiều. Thế nhưng câu chuyện "phí- giá" đang khiến người dân nhức đầu và cho rằng đang có chuyện đánh tráo khái niệm nên tôi dùng "phí" cho đúng với phong trào.
Bởi vì ở lĩnh vực giao thông, trạm thu phí biến thành trạm thu giá. Ở bên giáo dục người ta đồn rằng tới đây "học phí" sẽ chuyển thành "giá dịch vụ giáo dục" hay gọi tắt là "học giá". Rồi bệnh viện, có thể sẽ là "viện giá" thay vì viện phí, "tình phí sẽ là tình giá" vv…vv
Thật ra, sẽ không hề ồn ào nếu chuyện "phí- giá" chỉ là câu chuyện ngữ nghĩa và được đứng trên nền của sự minh bạch. Người dân sẽ hoàn toàn đồng ý sử dụng dịch vụ nếu thu chi minh bạch, rõ ràng, đâu là phục vụ và đâu là dịch vụ.
Trạm soát vé vào SVĐ có khi cũng đổi thành trạm soát giá.
Tiếc thay, những ầm ĩ của làng bóng gần đây cũng xuất phát từ chuyện thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng nếu như không nói người đa đang cố tình biến bóng đá thành một ổ mafia đầy rẫy những trò bẩn.
Và bóng đá đang phải trả… phí. Hãy xem đã phải trả những gì.
Ở góc độ cầu thủ, cuốn tự truyện của Lê Công Vinh được đón nhận theo nhiều chiều: hồ hởi có, dè dặt có và tức giận cũng có. Xét về mặt truyền thông thì Công Vinh và e-kíp của mình quá thạo và làm quá tốt.
Vấn đề còn lại là thông tin trong cuốn sách. Khi viết tự truyện, anh phải đảm bảo ít nhất hai yếu tố: sự thật và công khai. Tung ra tự truyện, không phải là cuốn tiểu thuyết và nếu bỏ yếu tố sự thật và gia tăng khả năng bịa đặt- chủ nhân cuốn tự truyện có thể phải ra tòa. Còn công khai có nghĩa là không phải điều gì cũng nói ra trong cuốn sách, hãy im lặng nếu nó ảnh hưởng quá lớn đến những nhân vật mà anh nhắc tới.
Cuốn tự truyện của Vinh có vẻ như đã phần nào vượt qua những lằn ranh này. Cái giá phải trả thế nào: một người bạn từ mặt, một người anh trong làng bóng thốt lên: "Cựu tuyển thủ Lê Hồng Minh cho biết: "Theo tôi cái gì đã là quá khứ thì chỉ để ở quá khứ thôi, để tự người khác đánh giá chứ mình không được quyền nói như vậy. Tôi nghĩ đây chỉ là trò PR, trò chơi rẻ tiền". Đắt hay rẻ rất khó đoán định.
Ấy là câu chuyện ứng xử từ phía cầu thủ, còn cái "phí" trong mâu thuẫn nộ bộ VFF trước thềm Đại hội thì dễ đong đếm hơn. Vẫn là những trò rẻ tiền xung quanh cái mớ bòng bong nhân sự: đầu tiên là một ông bầu nức tiếng bị loại, tiếp đến là một ứng viên PCT VFF phụ trách tài chính dính vạ miệng, rồi câu chuyện PCT VFF phụ trách truyền thông phải từ chức với câu chuyện mà đằng sau nó người ta chắc chắn là những trò bẩn đánh dưới thắt lưng…
Sẽ trông đợi gì ở sự phát triển nếu mỗi vị trí, mỗi con người khi đối mặt thì thơn thớt nói cười nhưng thủ dao sẵn sàng đâm sau lưng đồng đội? Nếu bóng đá nảy mầm trên nền tảng ấy, cũng là một thứ bóng đá kiểu nấm độc.
Bên cạnh những cái "phí" thì chúng ta đang "phí bóng đá theo đúng nghĩa của nó": phí một chiến thắng lịch sử của U.23, phí một giải V.League tưởng chừng đã lấy lại niềm tin của người xem Việt và phí cả cơ hội kinh doanh khi chưa bao giờ bóng đá trở thành một thứ dịch vụ, một ngành kinh doanh nhiều lợi nhuận.
Và ai phải trả giá? Không phải những người bị phê phán trên cộng đồng mạng, không phải những người đã mạnh dạn rút lui khỏi ngôi nhà VFF cũng không phải những quan chức của Tổng cục TDTT bị rút về, không cho đi biệt phái.
Những người phải trả giá là chính chúng ta!