Phe vé không có tội tình gì

Nhà báo Hoàng Lâm (Song An)
thứ ba 27-11-2018 17:16:42 +07:00 0 bình luận
Lâu nay, mỗi khi có một trận bóng đá thu hút người xem thì không ít người phải mua ở chợ đen những tấm vé có giá gấp nhiều lần. Họ đều đổ lỗi cho phe vé. Nhưng thực sự, có lẽ những người phe đã bị hàm oan. Nỗi oan… Thị Kính chứ không phải Thị Màu.

Lâu nay, mỗi khi có một trận bóng đá thu hút người xem thì không ít người phải mua ở chợ đen những tấm vé có giá gấp nhiều lần. Họ đều đổ lỗi cho phe vé. Nhưng thực sự, có lẽ những người phe đã bị hàm oan. Nỗi oan… Thị Kính chứ không phải Thị Màu.

Thế hệ chúng tôi sinh ra vào khoảng giữa những năm 1970 và gần như trở thành thế hệ cuối cùng được trải nghiệm và hít bầu không khí bao cấp. Bố tôi đã phải đạp xe đạp gần 10 km để mua mấy bìa đậu, hoặc tôi khi đó chỉ khoảng 10 tuổi phải xếp hàng rồng rắn và mất cả buổi sáng chỉ để mua một mớ rau nhàu nát cho lợn và cũng chứng kiến gương mặt vừa khó ưa và đầy sang chảnh của những cô mậu dịch viên áo trắng ngả màu nâu vàng.

Đó là thời gian lý tưởng để ra đời những người gọi là dân phe: phe tem phiếu. Phe là từ để chỉ những người mua đi bán lại một thứ hàng hóa để kiếm lời, trục lợi từ sự khan hiếm và khoảng cách quá xa giữa cầu và cung. Họ bị gọi gắn với cái tên theo hàm ý coi thường: con phe, con buôn.

Phe vé không có tội tình gì - Ảnh 1.

Nhìn hàng người xếp hàng vào sân Mỹ Đình lại nhớ thời bao cấp

Bây giờ không ai gọi là con phe, con buôn. Người ra dùng từ mĩ miều hơn: thương nhân, thương gia. Ở một góc độ nào đó, "con phe" chính là những người nhanh nhạy trong làm ăn kinh tế, họ định vị được thị trường, biết thị trường cần gì, biết khoảng cách giữa cung và cầu để kiếm lời. Trừ những trường hợp lợi dụng sự khan hiếm để đẩy lên quá đà chứ thực chất phe hay không phe, đều gắn với thị trường. Thuận mua vừa bán. Người ta thường thấy ác cảm với phe vé khi họ cầm một nắm tiền nhưng ai đếm được nước mắt của phe vé khi ôm trong tay một đống vé ngoài cổng khi mà trong sân bóng, trọng tài đã nổi hồi còi để trận đấu bắt đầu.

Khi đội tuyển bóng đá Việt Nam đá sân nhà, đặc biệt là những giải SEA Games, AFF Cup thì kiểu bán vé theo công văn đăng ký được cho là "quay trở lại thời bao cấp". Nghĩa là tạo ra sự bất bình đẳng, chênh lệch về quyền lợi giữa đối tượng mua vé theo công văn (chỉ cần ngồi máy lạnh và chờ phúc đáp) và đối tượng mua vé trực tiếp (phải rồng rắn xếp hàng, thức đêm hôm). Về mặt hình thức, việc quy định mỗi người chỉ mua được số lượng nhất định vé là chống được đầu cơ. Trên thực tế thì việc này cũng không hiệu quả.

Phe vé không có tội tình gì - Ảnh 2.

NHM càng quan tâm, phe vé càng có đất diễn

Chuẩn bị cho trận gặp Philippines, sau khi chịu nhiều búa rìu của dư luận, như thường lệ, VFF đã thay đổi. VFF chuyển toàn bộ phương thức phát hành vé truyền thống gồm bán trực tiếp và đăng ký công văn sang hình thức online để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy gây phản cảm và khiến người hâm mộ bức xúc.  Thế nhưng, thay vì xếp hàng ngoài đời thì, việc chuyển online lại tạo ra cảnh xếp hàng online vì VFF chỉ phát hành khoảng hơn 20.000 vé cho người hâm mộ. Hơn 20.000 vé còn lại sẽ được phân bổ cho các nguồn sau: 4.000 vé mời, 3.200 vé dành cho CĐV đội khách, vé bán cho hội CĐV bóng đá Việt Nam...

Hệ thống bán vé có thể sẽ bị nghẽn, hoặc sập. Đó là điều mà người ta phải lường trước với mặt trái của công nghệ.

Nhưng xin thưa, dù thay đổi phương thức bán vé nào thì cũng không ngăn nổi phe. Phe không phụ thuộc và phương thức phát hành mà phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung. Nhu cầu lớn mà nguồn cung nhỏ hẹp thì kiểu gì cũng có phe. Thậm chí bây giờ sẽ xuất hiện thêm cả phe vé online.

Sự công bằng chỉ có ý nghĩa tương đối và cuộc đua đoạt được tấm vé sẽ diễn ra rất quyết liệt trong mấy ngày nữa. Cũng như trong bóng đá, đôi khi để có được điều mình muốn thì luôn đi kèm yếu tố may mắn. Đi săn vé cũng vậy.

Đừng đổ lỗi cho phe vé, cũng đừng bảo họ đang lợi dụng tình yêu của người hâm mộ. Lỗi lớn nhất sẽ thuộc về VFF nếu có khuất tất trong câu chuyện phát hành và tự biến mình thành một tập đoàn phe vé và đầu cơ thực sự.

Đừng để tấm vé bóng đá rơi vào tình cảnh của hãng thời trang D&G ở Trung Quốc, sai một ly có thể đi cả cả dặm.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm