Đau đáu với Gia Lai
Thuận đến với bóng đá từ khi anh mới 11 tuổi. Chàng trai sinh năm 1985 này bén duyên nhờ đá tốt ở trường rồi lên các cấp. Ngay từ nhỏ, Thuận quyết đi theo nghiệp bóng banh để phụ giúp gia đình.
Anh vốn là người con thứ 2 trong gia đình 6 anh em ở Tân Bình, Đắk Đoa (Gia Lai). Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào vài hecta trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày, không đủ ăn. “Đi phải làm được việc rồi trở về giúp đỡ gia đình”, Thuận nhớ lại.
Thuận về với đội bóng của Sở TDTT tỉnh Gia Lai từ thời còn nhi đồng. Thân hình nhỏ thó, mảnh khảnh nhưng bù lại, Thuận được ví như con ong chăm chỉ. Anh khéo léo, thông minh và luôn biết mình biết người để xử lý bóng.
Đến năm 2006, bầu Đức mượn lứa cầu thủ này đi đá VCK U21 Quốc gia ở Đà Nẵng. Không ngờ, đội đá tốt và giành ngôi Á quân. Chàng trai cao khoảng 1m60 là một trong những nhân tố thi đấu nổi bật.
Từ đây, giấc mơ đến với bóng đá chuyên nghiệp của anh trở thành sự thật. Bầu Đức thời điểm đó ký hẳn hợp đồng với 6 cầu thủ từ Sở chuyển sang. Ấy vậy, Thuận cùng đồng đội khá lăn tăn: “Lúc đó, HAGL đưa bản hợp đồng có thời hạn 7 hay 8 năm, anh em chúng tôi suy nghĩ rất nhiều bởi thời hạn quá dài dù lên đội 1 nghe rất mừng.
Trước đó, chúng tôi cũng nghe tin các anh ký hợp đồng dài hạn, không có tiền lót tay mà chỉ có tiền lương rồi sợ đến năm 28, 29 tuổi thì làm sao kiếm được tiền nữa. Thế là 6 anh em chấp nhận ký hợp đồng có thời hạn 5 năm.
Trong quãng thời gian đó, VFF nhảy vào can thiệp, cầu thủ chuyên nghiệp chỉ được ký hợp đồng dài nhất 3 năm, thấp nhất 6 tháng. Vì vậy, đá 3 năm rồi, HAGL làm lại hợp đồng để phù hợp với luật VFF”, Thuận giãi bày.
Ba năm đầu ở đội bóng phố Núi, Thuận biết thân biết phận của mình. Ở HAGL thời điểm này là DreamTeam nên với chàng tiền vệ nhỏ thó này, cứ mỗi lần vào sân, anh lại luôn biết cách để nắm bắt thời cơ.
“Trong nhiều trận đấu mà HAGL đá thua, hòa với thế trận bế tắc, đưa tôi vô tôi giúp đội từ hòa đến thắng khi ghi bàn hay chuyền thành bàn. Đá xong nghĩ trận sau sẽ đá chính hoặc dự bị nhưng ai dè trận sau lên ngồi khán đài. Năm đầu tiên vào sân khoảng 15 trận, trận nào cũng vào, vào đá tốt”, Thuận tâm sự.
Hết hợp đồng 3 năm, nhiều cầu thủ từ Sở sang đều nhấp nhổm muốn ra đi. Họ đi bởi biết mình khó cạnh tranh với các ngôi sao trong đội và đi để được đá rồi mới có tiền.
“Trong 6 người thì chỉ có tôi và Tăng Tuấn đá đủ ở HAGL trong 5 năm. Vì ngôi sao về nhiều quá nên hết năm thứ 3 hợp đồng, Vũ Anh Tuấn rồi Thái Dương đi mượn ở Đồng Tháp, Bình Định, riêng HAGL giữ tôi lại nhưng tôi nguyện đi. Với tâm niệm, mình còn trẻ thì nên đi để sau này về cống hiến lại cho HAGL chứ giờ các ngôi sao về nhiều quá, mình có nỗ lực bao nhiêu cũng không có suất đá chính. Lúc đó, thầy Tuấn ở Khánh Hòa cũng rất muốn có tôi. Thầy đặt vấn đề với HAGL nhưng bất thành”, Thuận nói.
Tuấn, Dương đi mượn đá tốt, về ký hợp đồng lại với số tiền lót tay không dưới 1 tỷ/năm còn Thuận ở lại và đành chấp nhận đá chỉ nhận lương, thưởng. Ngặt nỗi, ở HAGL, anh không phải cầu thủ hạng A, B để nhận khoản lương, thưởng cao mà với Thuận: “Trong 5 năm đó, tôi ít được vào sân, lúc nào cũng được loại C, D nên lương, thưởng không bao nhiêu. Tôi muốn đuợc đi để thi đấu tốt, rồi về cống hiến cho HAGL nhưng cuối cùng tôi phải ở lại 5 năm”.
Hết hợp đồng 5 năm, anh cũng đã 26 tuổi nhưng chàng trai nhỏ thó này không có gì trong tay, chỉ là con số 0 tròn trĩnh. “Lúc hết hợp đồng, tôi nguyện vọng ký hợp đồng để xin ít tiền lo gia đình nhưng HAGL không chấp nhận. Tôi nói chuyện với anh Tấn Anh thì anh ấy bảo chú ba cho tiền rất thấp mà bên Khánh Hòa cao hơn, tôi cũng như Tăng Tuấn phải đi. Tôi là người Gia Lai, rất muốn ở lại với đội bóng quê hương.
Lúc đi, tôi ngồi nói chuyện với anh Quốc Anh thì biết anh ấy đã cầm sẵn bản hợp đồng rồi. Tôi biết HAGL không níu kéo. Họ không bày tỏ ý định muốn tôi ở lại cống hiến nữa”, Thuận nói mà lòng cảm thấy dằn vặt.
Chắt chiu góp nhặt tương lai
Không phải là cầu thủ nổi tiếng, vốn chỉ nổi danh ở vòng chung kết U21 Quốc gia 2006 nên với Thuận, những bản hợp đồng bạc tỷ là điều xa xỉ. Tuy nhiên, chàng trai vốn sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó này lại biết chắt chiu, vun vén để xây đắp cho tương lai.
Hết 5 năm hợp đồng với HAGL, Thuận về dưới trướng của HLV Hoàng Anh Tuấn. Anh ký hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên khi đã 26 tuổi với mức lót tay 400 triệu đồng/năm trong thời hạn 3 năm.
Có số vốn kha khá vay mượn thêm anh em, Thuận mua đất, cất ngôi nhà ở thành phố Pleiku rồi lập gia đình. Gồng gánh rồi trả nợ, dần dần, đồng lương ở Khánh Hòa rồi Hải Phòng giúp anh vơi dần số nợ.
“Mấy anh em trong đội 1 ý kiến giữ lại nhưng HAGL cho ít tiền quá, gấp 2, gấp 3 lần, nếu ở lại làm gì có nhà cửa. Cuối cùng, tôi mới xuống Khánh Hòa”, Thuận chia sẻ.
Nghiệp bóng banh như trêu ngươi chàng trai nhỏ thó này. Sau một năm về đầu quân cho Khánh Hòa, đội bóng phố Biển chuyển giao cho Hải Phòng. Năm đầu tiên anh không có suất đá nên cho Cần Thơ mượn thi đấu ở hạng Nhất. Thể hiện tốt, đến năm thứ 2 ở đội bóng đất Cảng, HLV Dylan Kerr gọi Thuận về. Anh được đá chính nhiều hơn.
“Sau khi hết hợp đồng chú Hùng Chủ tịch đội bóng ngỏ ý muốn giữ tôi lại nhưng tôi về gần nhà để đá cho Quảng Nam”, Thuận nói. Ba năm về đội chủ sân Tam Kỳ, số tiền lót tay của Thuận là 150 triệu đồng/năm. Với khoản tiền không lớn đó, anh biết để định hướng cho tương lai.
“Năm cuối ở Hải Phòng và 3 năm ở Quảng Nam là tôi vui và hạnh phúc, vì có danh hiệu lẫn tiền bạc bởi ước nguyện là có số tiền để lo cho bản thân, gia đình. Trong 5 năm ở HAGL chẳng có được gì, lương 3 năm đầu rất ít từ 2 triệu lên 4 triệu, hai năm sau được 10 triệu. Khi về Khánh Hòa, tạo được thương hiệu năm cuối Hải Phòng rồi 3 năm ở Quảng Nam, tôi tạo ra cho mình kinh tế để lo sau này khi giải nghệ”, Thuận giãi bày.
Sau khi hết hợp đồng với Quảng Nam ở mùa giải 2017, Thuận định đá thêm 1 hay 2 năm nữa nhưng trước đó, bà xã của anh lo chu toàn khi mở quán café bên cạnh nhà, vừa giúp Thuận có công việc với thu nhập hằng ngày. Những lúc rảnh rổi, anh tranh thủ đá phủi ở Pleiku.
Nhìn lại hành trình dài, anh thổ lộ: “Tôi luôn muốn cống hiến cho đội bóng quê hương nhưng thấy quyết định rời Gia Lai là đúng. Nếu ở lại với số tiền đó thì chắc giờ tôi có mọi thứ như bây giờ”.