BĐVN (Kỳ cuối): V.Ninh Bình - Làm lại từ con số 0

chủ nhật 15-11-2015 23:16:53 +07:00 0 bình luận
7 năm nhảy vào bóng đá với cách làm “độc nhất vô nhị” của mình, V.Ninh Bình giống một thứ “quái thai” của cái gọi là bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam. “Cái chết” của đội bóng Cố đô là kết cục nhìn thấy, khi bóng đá hoàn thành sứ mệnh của một “cỗ máy đốt tiền” và vụ bán độ AFC Cup chỉ là lý do chính đáng để giải tán bóng đá…

LTS: Khai tử, giải thể, xóa sổ… BĐVN với cách làm chuyên nghiệp không giống ai ở “thời đại kim tiền” rơi xuống dưới đáy của khủng hoảng và hệ quả là hàng loạt những cái tên như HP.HN, N.Sài Gòn, Sài Gòn.XT, K.Khánh Hoà, Bình Định, XSKT.Lâm Đồng, An Giang, Kiên Giang… biến mất. Thế nhưng, bóng đá không chết, dù người ta giết bóng đá bởi cách làm và khiến nó biến dạng. Thể Thao 24h đã có loạt bài nói về hành trình “sự sống nảy sinh từ cái chết…”, với những câu chuyện như là bài học và cái giá của sự phát triển và bài về Ninh Bình sẽ là kỳ cuối.

“Cái chết” có sẵn trong kịch bản

Trong quá khứ, bóng đá Ninh Bình gần như là mảnh đất trắng trên bản đồ BĐVN. Đội bóng Cố đô được xem là điển hình tiên tiến trong... thời loạn, khi ở nơi đây người ta biến bóng đá thành những công cụ, phục vụ cho mục đích khác thay vì làm một cách căn cơ. Chuyện bắt đầu từ một lần cao hứng sau khi chứng kiến cảnh tượng vỡ sân ở trận chung kết Cúp QG năm 2006, bầu Trường quyết định làm bóng đá bằng cách bỏ gần chục tỷ mua lại đội hạng Nhất Sơn ĐT.LA, chuyển “hộ khẩu” ra Ninh Bình đổi tên, đổ tiền vào và thi đấu ở giải hạng Nhất 2007.

Từ vùng trắng trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, đất Cố đô Hoa Lư bỗng sở hữu đội bóng giàu tiềm năng nhờ túi tiền đầy ắp của bầu Trường. Được xem là “đại gia” mới nổi của giải hạng Nhất, V.Ninh Bình khiến những đội bóng lắm tiền nhiều của tại V.League cũng phải ngả mũ. Họ thể hiện độ chịu chơi bằng việc mỗi mùa giải lại mua không dưới nửa đội hình toàn những “sao số” của BĐVN. Nhẩm tính, bầu Trường mỗi mùa cũng phải “đốt” số tiền lên đến vài chục tỷ. Tung tiền tấn trên thị trường chuyển nhượng, V.Ninh Bình cuối cùng cũng hưởng trái ngọt bằng chức vô địch giải hạng Nhất năm 2009, góp mặt ở V.League 2010.

Kể từ thời điểm này, họ tiếp tục khuynh đảo BĐVN bằng túi tiền không đáy của ông chủ ngành xi măng. Phá giá thị trường bằng những bản hợp đồng tiền tỷ điên rồ, tiến hành nhập tịch cho các cầu thủ ngoại hay việc bất ngờ đưa chuyên gia môi giới cầu thủ Trần Tiến Đại lên làm GĐĐH và sau đó bổ nhiệm làm HLV, V.Ninh Bình biến thành “chợ cầu thủ” đúng nghĩa.

Tiền tiêu như “đốt” nhưng thành tích của V.Ninh Bình cũng rất khiêm tốn và danh hiệu duy nhất của họ ở sân chơi chuyên nghiệp là Cúp QG 2013. Việc chi mỗi năm vài chục tỷ, thậm chí có mùa giải đội lên đến 100 tỷ đầu tư cho đội bóng nhưng không gặt hái được thành công như mong đợi, bầu Trường bắt đầu chán bóng đá. Sự quan tâm của ông bầu giảm, đồng nghĩa với thắt chặt chi tiêu. V.Ninh Bình rơi vào cảnh nợ lương, thưởng triền miên khiến cả đội đình công đòi nợ. Bầu Trường rút lui khỏi chiếc ghế Chủ tịch CLB và có những động thái trả đội bóng về cho tỉnh.

Có lẽ, bầu Trường muốn rũ bỏ bóng đá từ lâu, nhưng chưa có cơ hội giải thoát. Bởi vậy, khi V.Ninh Bình bị “khai tử” sau scandal bán độ kiếm tiền ở AFC Cup, nhiều người tin rằng có một cái bẫy được gài sẵn và những “quả bom” chỉ chờ kích nổ. Lỗi lầm của các cầu thủ là lý do chính đáng nhất được đưa ra trong kịch bản xoá sổ đội bóng.

Và làm lại từ đầu

Sau vụ 9 cầu thủ V.Ninh Bình bán độ ở AFC Cup bị đưa ra ánh sáng, Tập đoàn The Vissai quyết định dừng tài trợ cho đội bóng Cố đô và họ buộc phải dừng thi đấu ở V.League 2014. Đến đầu tháng 1/2015, bầu Trường tuyên bố giải thể đội bóng và ngừng tham gia tất cả các hoạt động của bóng đá nội, đồng thời cũng cho hơn 50 cầu thủ trẻ thuộc các lứa U.15, U.17, U.19, U.21 giải tán.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm rời xa bóng đá, rất ngạc nhiên khi mới đây V.Ninh Bình quyết định gọi hơn 30 cầu thủ thuộc lứa U.19 trở lại tập luyện. Ngoài việc tham dự vòng loại U.21 QG ở Nam Định vừa qua, sắp tới, các cầu thủ trẻ này sẽ tiếp tục được tranh tài ở giải hạng Ba toàn quốc.

Bên cạnh đó, lãnh đạo V.Ninh Bình đã đầu tư sửa lại khu nhà ở và sân tập của đội nằm trong khuôn viên nhà thi đấu Ninh Bình. Các cầu thủ trẻ không những được tăng tiền ăn mà còn có những khoản lương nhất định để động viên tinh thần tập luyện. Những động thái này cho thấy V.Ninh Bình muốn làm lại bóng đá một cách bài bản.

“Sau khi tham dự VL U.21 QG thì trước mắt chúng tôi sẽ cho các cầu thủ trẻ của mình tham dự giải hạng 3 toàn quốc. Ngoài việc cọ xát, học hỏi kinh nghiệm để tạo nền móng cho tương lai, V.Ninh Bình cũng đang nung nấu để quay trở lại với sân chơi V.League. Không đè nặng về mặt thành tích cho các cầu thủ trẻ nhưng nếu có cơ hội, chúng tôi sẽ không bỏ lỡ để lên hạng Nhì”, Chủ tịch Phạm Văn Lệ cho biết.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm