Những vụ tai nạn

thứ năm 14-5-2015 16:23:47 +07:00 0 bình luận
Người Hà Nội ra đường đã rất sợ những thanh sắt rơi vào đầu, còn cầu thủ ra sân tập luyện thi đấu cũng sợ chấn thương… rơi vào đầu.

Người Hà Nội khi ra đường bây giờ có nhiều nỗi sợ: Sợ bị kẹt xe, sợ bị nắng nóng (vì cây xanh bị chặt nhiều quá), sợ bị “bẫy giao thông” vì hệ thống biển báo, quy định ở nhiều ngã tư khá lằng nhằng… Bây giờ lại sợ bị những thứ từ trên trời rơi xuống.

Gọi là “trời” thì cũng không đúng, mà là có thể đang đi bị đổ ập vào đầu, nhất là những tuyến đường đang thi công đường sắt trên cao.

Không hiểu sao chỉ có mấy tuyến mà tai nạn xảy ra như cơm bữa. Cả thanh sắt dài rơi vào đầu người đi đường, tiếp đến là cả chiếc ô tô chút nữa bị vùi trong đống xi măng, sau đó ở chỗ khác lại là một thanh giằng rơi ngang đường khiến nhiều người bị thương và mới nhất (có thể không phải là cuối cùng) là một chiếc cần cẩu đổ xuống nhà dân.

Nếu một vài sự kiện đơn lẻ, thì có thể gọi là tai nạn nhưng cứ lặp đi lặp lại thì không còn là điều bình thường, nếu không nói là quá bất thường. Nó là chất lượng thi công, là không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và đến lúc cần thanh tra lại toàn bộ.

Hôm qua, cũng có người nói rằng, cũng giống như mấy vụ sắt rơi, chuyện cầu thủ Việt Nam chấn thương cũng chỉ là… tai nạn. Hiển nhiên, không ai muốn chấn thương nhưng nhiều người chấn thương quá lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Ở những đợt tập trung trước, đã có những cơn bão chấn thương khiến người hâm mộ lo lắng, giới chuyên môn nghi ngờ. Để giải quyết vấn đề, ông Miura quyết định cho… bác sỹ nghỉ, để thay bằng một bác sỹ khác. Nhưng cho đến những đợt tập trung tiếp theo, lại bão chấn thương thì có thể không còn gọi là tai nạn nữa mà là hệ quả của một quá trình.

Hôm qua, đến lượt Công Vinh kêu đau. Một cầu thủ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm như Công Vinh mà còn kêu quá tải, căng cơ thì đúng là phải xem lại. Công Vinh còn bị chấn thương thì bất kỳ cầu thủ nào cũng có thể phải về nhà như Hoàng Thịnh, Thành Lương.

Người Hà Nội ra đường đã rất sợ những thanh sắt rơi vào đầu, còn cầu thủ ra sân tập luyện thi đấu cũng sợ chấn thương… rơi vào đầu.

Nó không nên và không được coi là vận đen, mà cần phải xem xét lại sự thích hợp trong những bài tập của ông HLV trưởng. Khác biệt giữa câu chuyện xã hội và bóng đá có lẽ là ở chỗ: Một thanh sắt rơi, hay cái cần cẩu đổ thì sẽ phải có người chịu trách nhiệm. Còn với ông Miura và VFF, hình như không có ai đủ tiếng nói chuyên môn để tạo ra một kênh phản biện với ông thầy người Nhật Bản.

SONG AN

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm