1. Leandro
Leandro tên đầy đủ là Leandro de Olivera Luz, trưởng thành từ bóng đá Brazil. Anh cùng lứa với nhiều tài năng khác như Kaka, Dani Alves hay Adriano,…. Leandro cũng như nhiều cầu thủ Brazil khác đến Việt Nam theo con đường sang thi đấu tại giải giao hữu BTV Cup ở Bình Dương. Thi đấu ấn tượng với lối chơi kỹ thuật đậm chất Brazil, tiền vệ sinh năm 1983 được Vicem Hải Phòng lựa chọn.
Người hâm mộ bóng đá đất Cảng không phải chờ đợi quá lâu để chứng kiến sự toả sáng của Leandro. Ngay ở mùa giải đầu tiên khoác áo đội bóng hoa phượng đỏ, Leandro đã thể hiện màn trình diễn đỉnh cao tại V.League 2008. Nói theo cách của nhiều CĐV Hải Phòng khi đó, Leandro đã “đá cho Lạch Tray không còn pháo mà đốt”.
Cú đá phạt góc bằng cái chân trái “ma thuật” giúp đồng đội ghi bàn, cú sút từ khoảng cách 40m mang về bàn thắng cho đội nhà hay khán đài đầy ắp khán giả đều là những kí ức không thể quên của Lạch Tray. Ghi được 53 bàn thắng sau hơn 68 trận đấu, hiệu suất quá tốt của một tiền vệ như Leandro. Người hâm mộ Hải Phòng khi ấy không ngần ngại gọi anh là “King”.
Sau V.League 2010, Leandro chia tay Hải Phòng để chuyển đến Bình Dương với vị thế của một ngôi sao. Tuy nhiên, đây chính là bước ngoặt đáng buồn của tiền vệ sinh năm 1983. Lối sống hoang dã, sự ỷ lại và lười biếng trên sân tập đã biến Leandro trở thành bản hợp đồng thất bại của đội bóng đất Thủ. Leandro đã ra đi không kèn không trống cuối mùa giải V.League 2011.
2.Nastja Ceh
Nastja Ceh là cái tên từng khiến nhiều CĐV xứ Thanh “dậy sóng” khi Thanh Hoá quyết định lựa chọn anh thay vì Leandro trước thềm V.League 2013. HLV Triệu Quang Hà và BLĐ Thanh Hoá khi đó đã chọn ngay Ceh chỉ sau một vài pha chạm bóng ấn tượng đến khó tin trong trận giao hữu với SLNA.
Hai mùa giải khoác áo đội bóng xứ Thanh, Nastja Ceh để lại dấu ấn đậm nét và là cầu thủ không thể thay thế. Khả năng điều tiết bóng, đặc biệt là những cú đá phạt ảo diệu của Ceh từng khiến các khán đài Thanh Hoá như nổ tung. Dù không cần chạy nhiều nhưng Ceh vẫn có thể dẫn dắt lối chơi của đội bóng theo cách của riêng mình.
Ngoài sự nổi bật trên sân cỏ, giá trị của Nastja Ceh còn biểu hiện ở sự kỷ luật. Theo tiết lộ của người đại diện, Ceh đã 2 lần từ chối việc dàn xếp tỷ số. Cuối mùa giải 2014, Ceh chia tay Thanh Hoá bởi tuổi tác đã lớn và thời tiết nắng nóng đặc trưng ở Thanh Hoá là rào cản lớn của anh để tiếp tục thi đấu tại đây.
3.Philani Kubheka
Philani sinh năm 1979 tại Bergvilla, Nam Phi. Từng có nhiều lời mời gọi nhưng tiền đạo này lại lựa chọn gắn bó với Becamex Bình Dương nhiều năm trong sự nghiệp của mình.
Cuối năm 2005, Philani đến thử việc tại Bình Dương, anh nhanh chóng được ký hợp đồng với bản lý lịch ấn tượng cùng khả năng chơi bóng đáng nể. Tiền đạo người Nam Phi có đến 8 mùa giải khoác áo đội bóng đất Thủ. Sở hữu cái chân trái đầy “ma thuật” cùng tư duy chơi bóng đặc biệt, Philani đóng góp hơn 50 bàn thắng và trở thành một trong những ngoại binh nổi bật của CLB Bình Dương bởi những danh hiệu tập thể như Vô địch V.League 2007,2008; Siêu cúp Quốc gia 2007,2008; bán kết AFC Cup 2009.
Cũng giống như Nastja Ceh, Philani là cầu thủ vô cùng kỷ luật. Với bản tính hiền lành và chuẩn mực, tiền đạo sinh năm 1979 luôn muốn thể hiện trên sân cỏ thay vì làm “chủ phòng thay đồ”. Đó cũng là điều khiến nhiều đồng đội yêu mến là quý trọng anh. Kết thúc V.League 2013, Philani chia tay Bình Dương và kết thúc sự nghiệp của mình tại Việt Nam.
4.Bassey Akpan
Cuối mùa giải 2011, thủ môn Bassey Akpan đến Việt Nam thử việc thông qua môi giới của các cầu thủ người Nigeria đang chơi ở V.League. Dù không phải là một ngôi sao quá nổi bật trước truyền thông nhưng Bassey lại là thủ thành tài năng mà V.League từng sở hữu. Điểm dừng chân của Akpan là HAGL với 3 năm thi đấu và cống hiến cho đội bóng phố Núi.
Kí ức về đầu tiên về Bassey Akpan của người hâm mộ Việt Nam rất đặc biệt khi thủ môn này bị… tụt quần trong trận đấu giữa HAGL với Đồng Nai. Nhưng đó không phải là tất cả, sự chắc chắn trước khung gỗ và khả năng ra vào hợp lý của Akpan chính là điểm tựa lớn cho HAGL trong những mùa giải vô cùng khó khăn.
Còn nhớ trong một trận đấu với Hà Nội T&T, đội bóng phố Núi bị ép sân và các tiền đạo đối phương như “dội bom” vào khung thành của Akpan. Dù vậy, chỉ có đúng 1 lần họ đánh bại được thủ thành sinh năm 1984, còn lại đều không thể vượt qua. Sự xuất sắc này khiến bầu Đức quyết định thưởng riêng cho anh mà không cần suy nghĩ nhiều. Trước đó, ông bầu cá tính này chưa bao giờ làm điều đó với bất kì cầu thủ nào.
5.Gonzalo
Gia nhập Hà Nội từ cuối mùa giải 2009 nhưng phải đến giai đoạn 2 của V.League 2010, Gonzalo mới khẳng định được tên tuổi của mình. Bàn thắng đầu tiên của tiền đạo này trong màu áo đội bóng Thủ đô cũng là pha lập công duy nhất giúp Hà Nội giành chiến thắng trước Hải Phòng ngay trên “thánh địa” Lạch Tray ở một trận cầu vô cùng căng thẳng, khi có đến 2 chiếc thẻ đỏ được trọng tài rút ra.
Tiếp sau đó, Gonzalo cũng ghi được một vài bàn thắng trong các trận đấu quan trọng nhưng ở thời điểm đó, người hâm mộ vẫn chưa đánh giá cao khả năng của anh bởi thể lực không đảm bảo để thi đấu trọn vẹn 90 phút.
“Người tính không bằng trời tính”, trong bối cảnh Endene ra đi và 2 tiền đạo ngoại binh khác là Carlos Soares và Luciano Fonseca chưa thích nghi với V.League, Gonzalo nghiễm nhiên chiếm suất đá chính. Từ đây, tiền đạo người Argentina để lại dấu ấn đậm nét bằng những màn trình diễn tuyệt vời. Trong 9 mùa giải khoác áo đội bóng Thủ đô, Gonzalo ra sân 138 trận đấu với 11.685 phút thi đấu trên sân, ghi đến 81 bàn thắng giúp Hà Nội giành 3 chứ vô địch V.League, 4 ngôi Á quân bản thân anh cũng lọt vào top 6 chân sút xuất sắc nhất lịch sử.