Cuộc xin việc đặc biệt
Sau ASIAD 2010, Lưu Thị Thanh chia tay thảm đấu để bước vào một hành trình lập nghiệp, mưu sinh mới nhiều gian khó trên đất Thủ đô. Dù bản thân xác định HLV cầu mây vẫn là nghề chính, song Thanh lại rơi vào tình thế khó khi lại là người của thể thao Thanh Hóa. Nó đã khiến cho nhà cựu vô địch ASIAD này phải trăn trở suy tính mà chưa có phương án hợp lý nhất.
Cuối cùng, cựu tuyển thủ xứ Thanh lại tạo ra một bước ngoặt theo một cách rất đặc biệt từ một lần ngẫu nhiên đến Trung tâm Fitness & Yoga của Mỹ để xin tập thử cách đây 5 năm. Chỉ qua mấy giờ đồng hồ, Thanh thực sự bị chinh phục bởi mô hình, hoạt động của Trung tâm rồi quyết định xin việc. Qua một cuộc phỏng vấn nhanh gọn, lãnh đạo Trung tâm đồng ý nhận Thanh ngay.
Đã quyết là làm, ngày hôm sau, ngôi sao cầu mây đã đến với công việc mới, cùng mức lương khởi điểm 10 triệu đồng/tháng. Có ưu thế lớn từ gốc thể thao, lại thêm sự đa năng và thích ứng tốt, cựu tuyển thủ cầu mây đã lập tức bắt nhịp với một công việc tưởng quen thuộc mà khác lạ, với nhiều áp lực: Một nhân viên tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng, tập luyện chuyên sâu.
Một manager chuyên nghiệp
Cũng như những gì thể hiện trong suốt nghiệp cầu mây, chuyển sang một lĩnh vực mới, Lưu Thị Thanh sớm chứng tỏ được hiệu quả, sự khác biệt của mình. Ngoài vốn kiến thức, tên tuổi, điều giúp Thanh có thể vượt lên chính nhờ luôn làm việc với niềm đam mê và sự bền bỉ hiếm có. Số khách hàng, doanh thu mà cô nhân viên này mang về cho Trung tâm liên tục tăng nhanh, thậm chí tính theo từng tuần, và luôn dẫn đầu nhóm sales/tư vấn.
Ngoài mức lương thưởng liên tục nâng cao, Thanh còn được tín nhiệm cho các vị trí quản lý, từ một nhóm nhỏ cho tới nhóm lớn. Từ mấy năm nay, nhà vô địch cầu mây ngày nào đã là một manager trụ cột của Trung tâm. Chị cùng các cộng sự đã góp phần đắc lực trong việc nâng cao hình ảnh, sức hút, mở rộng thị trường cho mảng dịch vụ - tập luyện mới đầy tiềm năng. Trong đó, nó được cụ thể hóa bằng khoản doanh thu tiền tỷ mỗi năm, và không ngừng tăng trưởng.
Thanh đã thực sự là một manager chuyên nghiệp, được đánh giá như một ngôi sao trong lĩnh vực mới. Để có được thành quả như hiện nay, Thanh đã phải lao tâm khổ tứ, lao động miệt mài. Cả tháng, bà mẹ một con này chỉ có đúng 2 ngày nghỉ do mình tự chọn thời điểm.
Còn lại, một ngày chị bắt đầu từ 9h30 cho tới 22h00, với đủ việc lớn nhỏ. Chỉ riêng việc đứng nói, hướng dẫn cho khách hàng liên tục, với đòi hỏi cao về sự thuyết phục cũng luôn là một thử thách. Đổi lại Thanh cũng nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng, với mức lương cứng 30 triệu đồng mỗi tháng cùng % từ tổng doanh thu.
Manager Lưu Thị Thanh giờ lại tỏa sáng như một mẫu hình mới của những VĐV nữ thành đạt, tự chủ, năng động sau khi giải nghệ. Phía sau những thành quả trên lĩnh vực mới của Thanh, là một tổ ấm hạnh phúc, cùng các điều kiện đảm bảo mà trước đó Thanh chỉ biết mơ ước để phấn đấu, một căn nhà khang trang và một chiếc ô tô riêng.
"Khi giải nghệ rồi chia tay cầu mây, tôi không cảm thấy nuối tiếc vì mình đã luôn quyết tâm phấn đấu nỗ lực hết mình với tất cả niềm đam mê và sự bền bỉ. Khi chuyển sang một lĩnh vực mới, tôi cũng vẫn giữ nguyên niềm đam mê và sự bền bỉ như thế. Hai công việc có thể hoàn toàn trái ngược, song theo tôi lại có cùng một mẫu số thành công. Trong công việc mới của mình, tôi không nhờ cậy được gì từ tên tuổi, những tấm huy chương thể thao. Tuy nhiên, thành quả nhất định mà tôi đạt được cũng chính là nhờ nền tảng và giá trị thể thao mình đã có được. Đó mới là điểm tựa quyết định, chứ nếu mình cứ nhìn vào quá khứ cùng thành tích thì khó có thể nghĩ khác và làm khác”. Cựu vô địch cầu mây ASIAD, Lưu Thị Thanh
Sau 16 năm gắn bó, tuyển thủ cầu mây Lưu Thị Thanh đã tạo nên một sự nghiệp hàng đầu trong làng thể thao Việt với một bộ sưu tập trên 100 huy chương các loại, nổi bật là 2 tấm HCV ASIAD, 1 HCV SEA Games. Tại ASIAD 2006, chính Thanh đã dẫn dắt các đồng đội 2 lần hạ gục người Thái để 2 lần bước lên ngôi cao nhất. Chủ nhân chính của kỳ tích buộc “cái nôi cầu mây” Thái Lan phải thay đổi toàn diện ấy được người Thái đánh giá đạt tới đẳng cấp ngang ngửa với một số ít huyền thoại của cầu mây nước họ.
Khi Thanh quyết định chuyển sang một lĩnh vực mới, lãnh đạo ngành thể thao Thanh Hóa đã tìm mọi cách để thuyết phục chị ở lại: Ngoài 1 suất biên chế, còn cam kết cấp đất, cũng như tạo một chế độ làm việc đặc cách. Thế nhưng, Thanh vẫn kiên quyết tìm một con đường, cơ hội và thử thách khác. Thể thao Thanh Hóa thiết tha với trường hợp của Thanh tới mức đến giờ vẫn giữ suất biên chế để cựu tuyển thủ này có thể quay lại tỉnh nhà làm việc bất cứ lúc nào.
Năm 2007, Lưu Thị Thanh đã gây tiếng vang khi xuất sắc đoạt ngôi Á quân cuộc thi “Phụ nữ Việt Nam thế kỷ XXI”. Tại cuộc thi đó, Thanh đã thực sự mang tới một hình ảnh mới cho các VĐV nữ bởi sự thông minh, cá tính, khả năng giao tiếp, bên cạnh ưu thế hình thể đặc thù. Đặc biệt ở phần thi “Từ thiện”, Thanh đã có một hành động ghi điểm 10 khi bán chiếc áo đấu của mình tại ASIAD có chữ ký của Chủ tịch nước để ủng hộ Quỹ Trẻ em nghèo.
Nhà vô địch ASIAD từng tham gia chương trình “Kỷ lục Việt Nam” để tạo nên một kỳ tích có một không hai khi tâng cầu được tổng số 5.485 lần chỉ trong đúng 1 tiếng đồng hồ. Sau kỳ tích này, Thanh đã phải vào bệnh viện để tiếp nước vì kiệt sức. Trong thời VĐV đỉnh cao, Thanh cũng là nhân vật và khách mời của hàng loạt chương trình đắt khách trên truyền hình như “Hãy chọn giá đúng”, “Chiếc nón kỳ diệu”, “Mỗi tuần một chuyện”…