Sân Chùa Cuối (Nam Định - HAGL, 2003)
Năm 2003, sân Chùa Cuối (nay là sân Thiên Trường) từng chứng kiến cảnh vỡ sân thót tim. Đó là trận đấu mà Nam Định đón tiếp HAGL trên sân nhà tại vòng đấu cuối cùng tại V.League cách đây 17 năm.
Thời điểm đó, sức hút quá lớn của HAGL và Nam Định đã khiến CĐV thành Nam từ mọi ngả đổ về SVĐ Chùa Cuối. Vì BTC sân không kiểm soát nổi dẫn đến tình trạng quá tải ở các khán đài. 30.000 chỗ ngồi chật kín người khiến các CĐV phải tràn xuống cả đường pitch.
Nhiều CĐV còn bất chấp cả tính mạng, trèo lên các giàn giáo đang thi công để theo dõi trận đấu. Lúc đó, SVĐ Chùa Cuối đang được tu sửa để chuẩn bị cho SEA Games 22.
Sân Thanh Hóa (Thanh Hóa - Đà Nẵng, 2007)
Ký ức vỡ trận của sân Thanh Hóa sau hơn 13 năm vẫn được người hâm mộ nơi đây nhắc đến. Đó là trận đấu Thanh Hóa tiếp đón Đà Nẵng ở mùa giải đội bóng xứ Thanh lần đầu tiên góp mặt tại sân chơi V.League.
NHM Thanh Hóa tràn vào sân, ước tính có khoảng 3 vạn khán giả có mặt theo dõi trận đấu. Không chỉ ngồi chật kín các khán đài, khán giả còn tràn xuống đường pitch và leo lên cả các bức tường bao quanh SVĐ cũng như các ngôi nhà cao tầng.
Trận đấu này cũng chứng kiến cảnh tượng "xấu xí" bởi một số CĐV quá khích rượt đuổi trọng tài Võ Minh Trí khi không công nhận bàn thắng của Thanh Hóa. Cuối cùng, Thanh Hóa bị xử thua 0-3, bị phạt tiền và buộc phải đá ở sân trung lập để tránh tình trạng vỡ sân.
Sân Chi Lăng (SHB Đà Nẵng - B.Bình Dương, 2009)
Sân Chi Lăng có sức chứa hơn 30.000 người nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của khán giả để xem trận cầu đinh ở V.League 2009 giữa SHB Đà Nẵng vs B.Bình Dương. Rất đông khán giả đã tìm mọi cách leo rào, chen lấn, trèo tường để được vào sân trong sự bất lực của lực lượng an ninh.
Thời điểm đó, có khoảng 35.000 khán giả vào sân. Hàng nghìn khán giả không có chỗ ngồi phải tràn xuống đường pitch để xem trận đấu. Rất may trận đấu đã không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
Sân Vinh (SLNA - XMXT.SG, 2013)
Mặc dù 17h00 mới diễn ra trận đấu giữa SLNA và XMXT.SG nhưng từ 13h00 khán giả đã dần lấp đầy các khán đài của sân Vinh. Thời điểm đó, BTC ghi nhận có khoảng 3 vạn khán giả đến sân theo dõi trận đấu trong khi sức chứa của sân chỉ vào khoảng 2 vạn người.
Thời điểm sát giờ thi đấu, khán đài C dành riêng cho học sinh, sinh viên vào xem miễn phí cũng không còn chỗ trống, buộc BTC sân phải mở cổng 6 vốn là lối đi riêng cho bộ phận cấp cứu và người khuyết tật. Tuy nhiên, do không lường trước được số lượng khán giả ngoài sân còn khá đông nên đoàn người lũ lượt kéo vào trong sân dẫn đến tình trạng vỡ sân.
Nhiều người không được vào sân đã phải bắc thang, trèo rào, tràn cả xuống sân, gây nên cảnh tượng rất hỗn loạn. Tuy nhiên, ban tổ chức sân Vinh chỉ bị VFF cảnh cáo vì để xảy ra sự cố này.
Sân Lạch Tray (Hải Phòng - Bình Dương, 2016)
Trong trận đấu đón tiếp đương kim vô địch B.Bình Dương tại vòng 8 V.League 2016, sân Lạch Tray vỡ trận với gần 3 vạn khán giả. Sở dĩ khán giả đến sân đông vì thành tích của đội bóng đất Cảng ở mùa giải đó rất ấn tượng. Thời điểm đó họ toàn thắng 7 trận và dẫn đầu bảng xếp hạng.
Dù BTC sân đã lường trước được tình trạng vỡ sân nhưng không thể tránh được cảnh xô đẩy, chen lấn của người hâm mộ từ cổng vào cho đến các khán đài. Đặc biệt ở khán đài A, lực lượng an ninh được huy động tối đa để đảm bảo an toàn khán giả khi lượng người vào sân bị quá tải.
Sân Pleiku (HAGL - Khánh Hòa, 2015)
Sân Pleiku cũng gặp tình cảnh vỡ sân trong trận đấu giữa HAGL và Sanna Khánh Hòa tại vòng đấu mở màn V.League 2015. Đây là thời điểm bầu Đức đôn lứa U19 là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường hay Hồng Duy, Đông Triều lên chơi tại V.League sau tiếng vang lớn tại VCK U19 Đông Nam Á.
Sức chứa của sân Pleiku là hơn 10.000 người nhưng đã có đến 13.000 CĐV kéo đến sân. Nhiều người không có chỗ ngồi buộc phải tràn xuống sân để theo dõi trận đấu. Rất đông người hâm mộ còn đứng sát các tấm biển quảng cáo vì sân Pleiku không có đường pitch.
Sân Hà Tĩnh (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - Hà Nội, 2020)
Vòng 4 V.League 2020, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đón tiếp Hà Nội FC. Trước sức hút của nhiều ngôi sao bên phía đội khách, khán giả Hà Tĩnh từ nhiều ngả đã đổ về SVĐ tỉnh nhà.
Sức nóng càng tăng lên khi đến sát giờ thi đấu vẫn còn rất nhiều CĐV đứng ngoài sân dù trong sân không còn một chỗ trống. Cảnh tượng vỡ sân xảy đến khi rất đông người hâm mộ tràn xuống đường pitch. Chuyện hy hữu đã xảy ra khi trọng tài buộc phải tạm hoãn trận đấu để BTC điều tiết khán giả trên sân và hiệp 1 được bù giờ đến 22 phút.