Đó là một cơn khát mà theo các nhà văn hóa, việc lộn xộn ở đền Trần nhiều năm là minh chứng rõ ràng khát vọng thăng quan tiến chức, phản ánh một xu hướng xã hội là thói hãnh tiến, thích làm quan và muốn thăng quan.
Ai chẳng muốn làm quan, kèm với nó là bổng là lộc mà không nhiều người nghĩ rằng trách nhiệm mới là điều đáng quan tâm nhất.
Tài năng càng lớn thì trách nhiệm càng cao - người Mỹ nói như thế. Còn người Việt, có thể chỉ là “Chức vụ càng lớn thì thu nhập càng cao”.
Nghĩ đến chuyện đền Trần với hàng vạn người chen lấn xô đẩy để có được lá ấn, tôi lại nghĩ đến những cơn khát khác mà người Việt từng có, đó là cơn khát giáo dục, cơn khát bóng đá.
Với giáo dục, là câu chuyện nộp hồ sơ vào trường thực nghiệm khiến các phụ huynh chen nhau đến đổ cả cổng trường.
Cơn khát bóng đá là cả đoàn người rồng rắn thức trắng đêm, chịu mưa, gió rét để có được tấm vé xem bóng đá.
Vâng, xem bóng đá. Cơn khát bóng đá tuy nó không dữ dội như cơn khát thăng quan tiến chức nhưng nó đủ để người ta cảm thấy “bất chấp để yêu nhau đi”. Không còn nghi ngờ gì nữa, người Việt yêu bóng đá, hoặc họ có quá ít thứ để yêu nên phải yêu bóng đá.
Cơn sốt Futsal vừa qua chỉ là một phần nhỏ.
Trước đó là cơn số SEA Games, cơn sốt AFF, cơn sốt Olympic Brazil, cơn sốt Manchester City và gần nhất là cơn sốt U.19 và HA.GL. Bóng đá chưa bao giờ đáp ứng hết nhu cầu đó và có vẻ như chính bóng đá đang nợ NHM Việt những món nợ lớn.
Năm ngoái, ở đấu trường V.League, đội HA.GL đi đến đâu là tạo ra cơn khát đến đó. Hàng ngàn người hớn hở mua vé để xem những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thi đấu rõ ràng là những làn gió mới với bóng đá nước nhà. Thậm chí ngay cả khi HA.GL bị đánh hội đồng và có nguy cơ xuống hạng, cơn sốt đó chưa giảm.
V.League 2016 khởi tranh. Điều dễ nhận thấy nhất là những ngọn lửa trên khán đài. Sân Thanh Hóa gần như không còn chỗ trống, những sân đấu khác cũng có lượng khán giả tốt.
Hiệu ứng Futsal hay nói đúng hơn là cơn khát bóng đá âm ỉ bây giờ mới được giải tỏa. Trách nhiệm của bóng đá, của VPF, của VFF chính là duy trì ngọn lửa đã từng có trên khán đài.
Để làm được điều đó, bóng đá phải trở thành một thứ đức tin, đức tin về sự trong sạch và trung thực.