Vòng 9 V.League vừa tạo cột mốc về số lượng CĐV với trung bình 10.429 người/trận, theo thống kê của BTC. Các sân bóng thu hút người hâm mộ đông nhất có thể kể tới Thiên Trường ở trận đấu giữa Nam Định và Quảng Nam (18.000 người), Gò Đậu trận Becamex Bình Dương-HAGL (14.000 người) hay sân Hoà Xuân trận SHB Đà Nẵng-Hà Nội (15.000 người)…
Trước đây, chỉ các trận đấu của HAGL hút được CĐV nhưng hiện nay nhiều đội bóng khác có số lượng CĐV lớn như Nam Định, Hà Nội, Hà Tĩnh. Có nhiều lý do khiến V.League đang trở nên hấp dẫn hơn. Những đội bóng mang đậm chất địa phương như Nam Định, Hà Tĩnh hay Thanh Hoá luôn sở hữu lượng CĐV trung thành lớn. Nhưng quan trọng hơn, nhiều đội bóng đầu tư mạnh đã khiến cuộc đua tới chức vô địch V.League mở rộng hơn, thay vì chỉ tập trung quanh CLB Hà Nội và những “người anh em”.
Sau vòng 9, ít ai có thể nghĩ đội dẫn đầu lại đang là Sài Gòn FC. Dù không sở hữu đội hình ngôi sao, lối chơi cũng kém hấp dẫn thậm chí có phần “xấu xí” nhưng bù lại, Sài Gòn FC áp dụng chiến thuật “biết mình, biết ta”. Đứng ngay dưới Sài Gòn FC là CLB TP. HCM, vốn đầu tư rất mạnh 2 năm qua với những ngôi sao trong đội hình như Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Phi Sơn…
CLB Hà Nội trong khi đó đang rơi xuống vị trí thứ 8 với chỉ 12 điểm sau 9 trận, kém Sài Gòn FC 7 điểm và CLB TP. HCM 5 điểm. Có lẽ chưa mùa giải nào, đội bóng của bầu Hiển lại vấp phải thách thức lớn đến vậy từ các đối thủ. Trong trận đấu với Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy tối nay, CLB Hà Nội buộc phải thắng nếu không muốn bị bỏ xa trong cuộc đua tới ngôi vô địch.
8/11 mùa giải qua, các đội bóng được cho có liên quan tới bầu Hiển giành cúp. Sự thống trị của CLB Hà Nội và các “anh em” đã khiến giải đấu trở nên nhàm chán, triệt tiêu động lực đầu tư của các đội bóng khác. Thực tế V.League mùa giải năm nay cho thấy, V.League đa cực và công bằng hơn trong cuộc đua vô địch là nền tảng căn bản để tạo nên sức hấp dẫn của giải đấu. Đó cũng chính là nền tảng cho sự phát triển lâu dài, có chiều sâu của bóng đá Việt Nam.