1. Thật bụng, nếu bạn nghề không nhắc, tôi cũng quên luôn là chiều nay bóng V.League lăn. Quả bóng mà nghe đâu đã được chuyển từ “bóng Động Lực” sang “bóng Thái Lan”. Quả bóng mà với nó cũng nghe những tranh luận sôi nổi về chuyện ưu tiên hàng ngoại hơn hàng nội và cả những dị nghị này nọ về những cái phết, cái phẩy phía sau chuyện thay đổi.
Chợt liên tưởng, BĐVN thời điểm này đang có nhiều thay đổi quá. Thay đổi một ông HLV ĐTQG, và cùng với thay đổi ấy là một lời đề nghị từ vị PCT VFF Đoàn Nguyên Đức: nếu không vô địch, HLV trưởng nên từ chức, bộ máy Thường trực VFF cũng nên từ chức luôn.
2. Bạn đồng nghiệp của tôi hỏi ngược: Nếu từ chức ở ĐTQG, HLV Hữu Thắng chắc chắn còn nhiều cửa sáng ở cấp độ CLB. Và ông Đức thì dĩ nhiên còn sáng bong với cái hậu cứ Hoàng Anh của mình. Thế nhưng những người khác - những người mà chỉ có VFF là cửa sáng thì còn chỗ nào khả dĩ để rút lui?
Từ đây, bạn đồng nghiệp có ý trách móc ông bầu kia chỉ nghĩ đến mình và những người giống mình, chứ không nghĩ đến những hoàn cảnh khác. Nhưng vặn ngược vấn đề, phải thấy vị nào vào VFF chẳng bảo là vào đấy là “vì sự phát triển của BĐVN”, chứ có ai thừa nhận vào để ăn chia, kiếm chác hay một cái gì đại loại thế đâu. Đã “vì bóng đá" thì khi BĐVN không phất lên được, từ chức cũng đâu có gì là ác?
Thêm nữa, nếu BĐVN đang hoạt động trơn tru, bộ máy lãnh đạo đang tử tế, đoàn kết thì chẳng nói làm gì, đằng này...
Với một thực trạng như thế thì việc một ông thầy trước khi nhiếp chính bị “cột” vào cái điều kiện “phải từ chức, nếu...” và một dàn lãnh đạo cũng dám “cột” mình vào cái điều kiện tương tự là một điều cần diễn ra. Nó tựa như việc trong binh pháp xưa, khi rơi vào thế cùng quẫn, người anh hùng buộc phải chọn cửa tử để cố tìm cửa sinh vậy. Và lịch sử nói với chúng ta: Có nhiều người anh hùng lưu danh thiên cổ nhờ sự chọn lựa dũng cảm, sáng suốt này.
3. Tiếp tục chủ đề “thay đổi”, những ngày này bóng đá Việt cũng có một thay đổi mang tính lịch sử, khi ĐT futsal nam Quốc gia giành vé đi World Cup ở Colombia.
Nhắc tới Colombia, hắc bạn cũng nhớ, cách đây vài chục năm, khi LĐBĐ Colombia đề nghị đăng cai một VCK World Cup thì Tổng thống nước này tuyên bố đại loại: Cần gì World Cup, chúng ta đã có một nhà văn Garcica Marquez - tác giả của “Trăm năm cô đơn” quá nổi tiếng rồi.
À, hoá ra khi người ta đã có một “giá trị văn học” mang tầm nhân loại để quảng bá thương hiệu quốc gia thì một sự quảng bá qua kênh thể thao, bóng đá chỉ là thứ yếu. Nhưng Việt Nam ta thì khác, cái giá trị làm nên thương hiệu của ta xưa nay luôn là “chiến tranh”, rằng chúng ta đã anh hùng chiến thắng hàng loạt cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Ngoài chuyện này ra, chúng ta chưa có những “giá trị thời bình” nổi bật. Thế thì futsal đi World Cup, đấy là một giá trị thứ thiệt đấy chứ.
Để cái giá trị ấy được phát sáng ở đất Colombia thì một mình ông bầu tâm huyết Trần Anh Tú là chưa đủ. Ngành thể thao nói chung nghĩ gì? Ngành văn hoá nói chung làm gì? Phải nhắc lại, chuyện ĐNÁ dự World Cup không mới đâu nhé, bóng đá nữ Thái Lan rồi ĐT U.20 Myanmar cũng từng làm được như thế, và cũng phải chịu cùng một mẫu số chung: Khi đến World Cup phải nhận cả rổ trứng mang về.
Đấy là điều mà chúng ta bây giờ cần lưu tâm, trăn trở.
4. Cuộc sống được làm nên bởi những thay đổi, có những thay đổi tồi, có những thay đổi sáng. Vấn đề là chúng ta đã làm gì để tạo ra những thay đổi và khi đã có thay đổi sáng, phải tiếp tục làm gì để nó sáng hơn?
Hôm nay bóng lăn. Lại một mùa giải mới, với những thay đổi mới. Cầu mong, đấy chí ít cũng là những thay đổi không tồi!