1. Không lâu sau khi cuộc họp BCH VFF kết thúc, cái thông tin HLV Toshiya Miura bị sa thải được đưa ra thì trên báo chí xuất hiện khẳng định: Ông Miura thực chất đã biết tin này từ trước. Và thậm chí, ông còn "chơi đẹp" khi không nhận nốt 2 tháng lương cuối của hợp đồng, trị giá khoảng 400 triệu đồng.
Ô hay, nếu đúng là ông Miura đã biết trước khi cuộc họp BCH được tổ chức thì tại cuộc họp này thường trực VFF còn xin ý kiến BCH về tương lai Miura, từ đó dẫn tới kết quả có tới 11/16 ý kiến để nghị sa thải Miura làm gì nữa? Nếu đúng là ông Miura đã biết trước như thế, hoá ra cuộc họp BCH chỉ là hình thức, thậm chí nói không quá, chỉ giống như một màn kịch?
Tôi thèm nghe những quan chức VFF trả lời một cách sòng phẳng, chính xác câu hỏi này. Và không riêng gì tôi, hơn lúc nào hết, các thành viên BCH cũng đang rất muốn nghe để xem rốt cuộc mình có bị "qua mặt" hay bị lợi dụng để người ta "diễn trò" hay không.
2. Bây giờ không nói đến chuyện biết trước hay biết sau nữa, cứ coi như ý kiến BCH đúng là đã được tôn trọng thì lại cần đặt ra một câu hỏi khác: Khi ký hợp đồng với Miura, Thường trực VFF có xin ý kiến BCH hay không? Điện thoại hỏi một thành viên BCH thì nghe kể: "Hồi ấy cũng có họp BCH nhưng họp để thông báo về việc hợp tác với thầy Nhật, chứ không phải để xin ý kiến về việc có hợp tác với thầy Nhật hay không…".
Thực bụng, tôi cũng nghi ngờ luôn ý kiến này nên cũng thèm nghe một câu trả lời sòng phẳng, chính xác nữa từ VFF. Theo tôi, nếu đúng là chỉ một, hai người nào đó quyết định thuê HLV Miura nhưng sau này, khi ông thầy người Nhật thất bại, người ta lại đưa vấn đề ra BCH để lấy ý kiến tập thể về việc sa thải HLV Miura thì cái tập thể ấy cũng chẳng khác gì cái tập thể bị lợi dụng. Lẽ ra, việc đáng bàn ở cái tập thể ấy phải là ông Miura đã thất bại rồi, vậy thì những nhân vật đã nhất nhất đòi thuê Miura liệu có một phần lỗi nào không? Có chịu trách nhiệm gì không? Từ đó có rút ra bài học nào cho cách làm việc có phần cá nhân, áp đặt của mình không?
Cảm giác như mọi người đã bị hút hết cả vào "cục nam châm Miura", từ đó không bàn đến những khía cạnh đáng bàn và cần phải bàn khác xung quanh vấn đề Miura.
3. Bây giờ thì tất cả các thành viên BCH đều đã thống nhất sẽ quay về dùng thầy nội. Thực chất nội hay ngoại đã là một câu chuyện cũ kỹ, “xưa như trái đất”. Điều phải nghiên cứu là nếu đã dùng thầy nội thì VFF có chuẩn bị một lộ trình tử tế để thầy nội có thể làm việc một cách tử tế hay không? Hãy nhìn sang Malaysia, trước khi lần lượt sử dụng các ông thầy nội Rajagobal và Ong Kim Swee cho ĐTQG, FAM đã lần lượt sử dụng 2 ông thầy này ở các ĐT trẻ qua nhiều năm, từ đó giúp họ từng bước chuẩn bị, áp đặt và chủ động với tư duy, quan điểm của mình để rồi thực sự biết, cần và có thể làm gì khi “nhiếp chính”.
Nó khác và khác nhiều lắm so với việc ở ta. Từ Falko Goezt, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc đến Miura rồi bây giờ là Hữu Thắng hay Huỳnh Đức, hết thầy ngoại này đến thầy ngoại khác, không thành công thì quay về thầy nội, rồi nội thất bại thì quay ra ngoại và đến khi ngoại thất bại thì lại quay về nội…
4. Cần lắm 2 câu trả lời cho 2 câu hỏi từ VFF, và một cái nhìn thực tế, thực chất, đúng người, đúng việc của BCH xung quanh chiến lược dùng thầy.