Theo ông Thọ, nhiều người cho rằng sự xuống cấp của BĐVN hiện tại do cuộc khủng hoảng kinh tế tác động nhưng điều này chưa đủ và cũng không phải nguyên nhân chính.
“VFF chỉ nhìn hoặc chạy theo những cái trước mắt, khi một số doanh nghiệp, cá nhân hay địa phương nào đó muốn làm bóng đá, họ thấy có tiền và thích chơi là được chơi luôn. Trong khi đó, lại thiếu kiến thức, nhìn nhận để có những quy chế, điều lệ chặt chẽ, ràng buộc người chơi, để rồi 1 - 2 năm họ chán và hết tiền rồi phủi tay không chơi nữa.
Tôi chỉ đặt câu hỏi như thế này: Ngày xưa thời bao cấp không có tiền sao chúng tôi vẫn tổ chức được giải, vẫn đầy người muốn chơi, còn bây giờ có tiền và khoa học tại sao lại không tổ chức được giải đấu? Đó là vấn đề mà ai cũng biết, khi người muốn làm lại không được làm, rồi để cả nền bóng đá vào tay những người không có sự hiểu biết, với những lợi ích nhóm, với những mục đích cá nhân điều hành. Cứ “con sâu làm rầu nồi canh” như thế làm sao BĐVN phát triển được”, ông Thọ nói.
Không có chuyên môn trong việc điều hành, tổ chức giải đấu và khi có những vấn đề cần giải quyết, cần lên tiếng để đưa giải đấu đi đúng hướng và làm trong sạch, thì BTC giải lại sợ “vạch áo cho người xem lưng”.
“Tiêu cực thì ai làm chuyên môn cũng nhìn thấy. Dư luận phản ứng, cầu thủ, BHL đều phản ứng, trong khi đó BTC giải, VFF lại phủ nhận, nói rằng “làm gì có mùi”. Làm sao có thể điều hành và làm tốt được công việc của mình, khi bị chính những người trong cuộc coi thường? Họ được hưởng lương cao, có chế độ tốt nhưng vì lợi ích như thế mà hạ thấp bản thân, vai trò và trách nhiệm của mình thì đáng hổ thẹn”, ông Thọ cho rằng BTC giải và VFF là mấu chốt chính khiến giải đấu ngày một mất giá và mất niềm tin, với chính người mà họ đang điều hành.
Từ những vấn đề và nhìn nhận thực tế trên, cựu Trưởng BTC giải Lê Thế Thọ cho rằng, khi những “hạt sạn” và cách làm việc như vậy còn tồn tại, việc thay đổi những đội bóng hay các thành viên cũng không thể giúp giải đấu “lột xác”.
“Tôi nói như thế để thấy rằng, việc có thêm hay bớt các đội bóng tham dự cũng không giải quyết vấn đề gì. Thời tôi còn làm Trưởng BTC giải, khi bắt đầu giải A1, lúc đó có tới 32 đội cùng chơi và sau 1 mùa giải con số đó đã được rút xuống còn 18 đội.
Cách làm của tôi không phải chạy theo số lượng mà đây là tạo ra sân chơi để tất cả đều được tham dự và phải chơi để có sự phát triển và đầu tư.
Còn với cách làm và điều hành ở VFF hiện nay, dù có muốn họ cũng không thể làm nổi. Vì sao? Vì họ làm mất niềm tin và mất đi cả cái chất, vai trò và nhiệm vụ của mình.
Cứ nhìn ngay ở bóng đá Anh, giải Ngoại hạng Premier League có 20 đội nhưng hạng Nhất phải có 24 đội và càng xuống dưới thì số lượng phải tăng lên. Vì nó là nền móng và cơ sở vững chắc cho sự phát triển. Ở Việt Nam thì khác, mỗi khi có đội bỏ cuộc, các nhà tổ chức phát biểu: Không có đội này thì đội khác chơi. Đó là cách nói, cách làm vô trách nhiệm.
Ở đây tôi cũng nói thẳng ra, muốn 1 đội thế chỗ, chắc chắn VFF phải đi xin và… năn nỉ họ chơi chứ không phải cứ gọi là được”, ông Thọ cho biết.
Cũng theo ông Thọ, với việc bắt buộc phải có càng nhiều đội tham dự thì VFF sẽ có nhiều việc để làm và từ đó sẽ có những nguồn tài chính để tự nuôi mình: Quảng bá hình ảnh, tài trợ, tổ chức thi đấu, công tác trọng tài, giám sát, chuyển nhượng, cấp phép… Nhưng nhìn vào 14 đội ở V.League hay 10 đội hạng Nhất thì cũng chỉ có khoảng 6-7 đội bóng đủ tiềm lực để chơi chuyên nghiệp.
“Vậy thì chạy theo số lượng để làm gì, hay đây là những mục đích lợi ích nhóm?”, ông Thọ đưa ra nhận định cá nhân về những vấn đề cốt lõi phía sau quyết định tăng số đội.