Trong một diễn biến khá bất ngờ, ông Gianni Infantino - TTK FIFA được bầu làm Chủ tịch thay cho người tiền nhiệm Blatter. Bất ngờ là bởi người đàn ông này trong suốt quá trình tranh cử đã khá âm thầm, không ồn ào như những ứng viên tiềm tàng nhiều tiền khác.
Như người ta nói, đúng là “30 chưa phải là Tết”, còn bóng đá thì bảo: “Trọng tài chưa cắt còi thì trận đấu vẫn còn tiếp tục”. Điều lạ là cả một bộ máy tổ chức khổng lồ và uy tín như FIFA mà việc bầu cử cứ nhẹ nhàng như không, ông Chủ tịch nhận chức không rổn rảng bằng ở nhà mình.
Và tất nhiên, ông Gianni Infantino cũng sẽ chẳng tổ chức một buổi “hoành tá tràng” hay FIFA làm nguyên một “đêm giao lưu chúc mừng ông Chủ tịch”.
Sở dĩ nhớ đến điều này là bởi tại Nghệ An, người ta xôn xao câu chuyện một vị Phó GĐ Sở vừa nhậm chức mới được 2 ngày đã tổ chức tiệc mừng tưng bừng, hoành tráng với đầy đủ biểu ngữ, phông màn, sân khấu ca nhạc tại nhà khách tỉnh.
Cụ thể tân Phó GĐ Sở NN&PTNT Nghệ An ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhận quyết định bổ nhiệm hôm 23/02 thì tối 25/02, bạn bè thân hữu đã tổ chức tiệc chúc mừng và giao lưu. Tại đây có treo tấm pano trang trọng trên sâu khấu của đêm tiệc mừng - giao lưu này lại ghi: “UBND tỉnh Nghệ An - Sở NN và PTNT Nghệ An - Đêm giao lưu chúc mừng đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Tỉnh uỷ viên, Phó GĐ Sở NN&PTNT”.
Ở đây chưa kể phô trương mà ông quan Sở cùng cấp dưới chắc quên 2 từ “tiết kiệm” trong bối cảnh Nghệ An tỉnh nhà vừa nhận 3.600 tấn gạo cứu đói khẩn cấp cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Hóa ra cứ đâu phải cứ “phú quý mới sinh lễ nghĩa”?
Hôm qua, nhiều người bạn thể thao có nhắn tin, viết facebook phàn nàn về chuyện V.League đã đá đến vòng thứ 2 mà ở tất cả các sân vẫn có màn chào sân, tuyên thệ rất mất thời gian. Tuần trước 6 sân làm lễ khai mạc, tuần này thêm 6 sân nữa. Tất nhiên là giấy mời gửi tứ tung, đọc các thể loại lời tuyên thệ dài dòng. Nhìn chung là chúng ta cố gắng bắt đầu giải chuyên nghiệp bằng khâu tổ chức vẫn còn nghiệp dư.
Nó giống như chuyện các đội bóng như Arsenal, Manchester City khi đến Việt Nam đã “phát khóc” bởi màn chào sân của quan chức, nhà tài trợ và đủ các thành phần mất đến cả mấy chục phút.
Thế mới nói người Việt mình rất thích mấy cái lễ nghĩa không thực chất. Đó là chưa kể trong những lời tuyên thệ ấy, người ta phát hiện ra một cầu thủ mỗi năm ít nhất lận lưng vài “thẻ đỏ” và từng đá què vài đồng nghiệp cũng đứng trên bục dõng dạc “tuyên thệ”.
Từ chuyện bầu cử FIFA tới “lễ hội xin thề” của bóng đá Việt, mới thấy độ vênh nó lớn đến thế nào.