Ngày 27/3 hàng năm được chọn là “Ngày Thể thao Việt Nam”, nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân và phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao văn hóa lành mạnh. Đây cũng là ngày để Tổng cục Thể dục Thể thao nhìn lại, tổng kết những thành tích đã đạt được từ giữa năm 2019 và đầu năm 2020. Cùng với đó, tất cả sẽ cùng đặt quyết tâm để hướng tới những mục tiêu tiếp theo.
Tuy nhiên nếu so với năm ngoái, khoảng thời gian hơn 3 tháng đầu năm 2020 thực sự là một nốt trầm đáng buồn. Dịch COVID-19 đang khiến hầu hết các hoạt động thể thao bị tê liệt. Trong nước các giải đấu chuyên nghiệp buộc phải tạm hoãn để đảm bảo sức khỏe cho các vận động viên và khán giả. Trên các đấu trường châu lục, tình trạng tương tự cũng diễn ra.
Nếu năm 2019, thể thao Việt Nam diễn ra sôi nổi bao nhiêu thì năm 2020 lại yên ắng bấy nhiêu. Còn nhớ, trước ngày Thể thao Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đích thân dự khán, xuống sân chúc mừng U23 Việt Nam với chiến thắng 4-0 trước U23 Thái Lan trên sân Mỹ Đình tối ngày 26/03/2019. Thời điểm đó, khán giả liên tục có những giải đấu cả trong và ngoài nước để theo dõi bước tiến của thể thao nước nhà.
Cũng trong năm 2019, bóng đá còn giành được nhiều thành công ở Asian Cup và SEA Games 30. Thầy trò HLV Park Hang Seo lọt vào top 8 đội mạnh nhất giải đấu hàng đầu châu Á và cũng lần đầu lên ngôi tại một kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á. Ngoài ra, ĐT Việt Nam còn thi đấu thành công tại vòng loại World Cup 2022 với vị nhất bảng G cùng thành tích bất bại.
SEA Games 30 thành công vang dội về mặt thành tích với 98 HCV, 85 HCB và 105 HCĐ, đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng huy chương toàn đoàn. Tất cả những điều đó đã giúp đoàn Thể thao Việt Nam tự tin hướng tới chinh phục những cột mốc mới trong năm 2020.
Trong phát biểu hồi đầu năm, phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn khẳng định, thể thao Việt Nam năm 2020 sẽ dồn toàn lực cho Olympic Tokyo. Thế nhưng, diễn biến khó lường của dịch COVID-19 đã khiến không ít các vận động viên phải chịu thiệt thòi.
Đối với các môn thể thao thành tích cao như bơi lội, thể dục dụng cụ, điền kinh,... dịch bệnh khiến các vận động viên khó có thể tập trung tập luyện, tập huấn. Thậm chí, dịch COVID-19 cũng khiến Liên đoàn cầu lông thế giới (BWF) ngưng tổ chức mọi giải đấu trong thời gian dài. Do đó, cặp đôi Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang không thể cùng nhau tham dự Olympic Tokyo 2020.
Đối với môn bóng đá, dịch bệnh cũng khiến V.League không thể diễn ra như bình thường, ảnh hưởng rất lớn đến vòng loại World Cup 2022 và các kế hoạch chuẩn bị cho AFF Cup 2020.
Xa hơn, những tác động xấu của COVID-19, sự đình trệ của các giải đấu thể thao sẽ khiến chiến lược chuẩn bị cho SEA Games 31 và Para Games 11 tại Việt Nam có thêm nhiều khó khăn mới.