Người ta giật mình vì mấy cái trung tâm hành chính ở một tỉnh miền duyên hải tính sơ sơ cũng vài ngàn tỷ đồng. Bình thường, xây một trung tâm hành chính, ban đầu có thể là tốn kém nhưng cái lợi và tiết kiệm về sau thì hiểu được. Nhưng bây giờ, cứ động đến tiền tỷ là dân mình cứ như đỉa phải vôi.
Đùng một cái, Bộ VH, TT&DL đệ trình phương án đăng cai SEA Games 31. Tất nhiên đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm. Nói nôm na là mấy anh chơi với nhau rồi rủ cùng nhậu nhẹt. Tiền nhậu cả nhóm, mỗi ông trả một hôm, giống kiểu uống… xoay vòng. Năm 2003, Việt Nam “trả tiền”, bằng một trong những SEA Games hoành tráng nhất, gần 20 năm sau mới lại đến lượt. Ăn chơi của thiên hạ rồi, giờ không tổ chức SEA Games không xong, chỉ là nếu kẹt quá thì lui lại đôi năm. Con số đưa ra thì không phải một “bữa nhậu” mà là cả… tỷ bữa, tương đương 2.000 tỷ đồng. Nghe thì lớn, nhưng cũng chỉ cỡ 100 triệu USD, gấp 3 lần lễ khai mạc SEA Games năm 2013 ở Myanmar chứ mấy (!).
Lại “đùng một cái”, chuyện bản quyền giải Ngoại hạng Anh bỗng nhiên xáo xào. Cũng dễ hiểu, người Việt Nam mê bóng đá Anh như mấy ông nghiện thuốc lào mê điếu cày. Khó bỏ lắm. Tất nhiên, so sánh thế cũng không phải lắm bởi thuốc lào thì độc hại, Ngoại hạng Anh thì không. Và nữa, thuốc lào thì rẻ, còn Ngoại hạng Anh thì đắt.
Đúng là nước Anh, khó có cái gì rẻ, từ cái xe ô tô Mini Cooper cho đến mấy trận bóng đá. Nghe nói, từ mùa giải 2016 đến mùa 2019, giá mỗi trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh lên tới 15 triệu USD. Thế nên, cũng chẳng ngạc nhiên khi BTC tuyên bố bán tổng gói bản quyền là 7,8 tỷ USD. Quá choáng, nhưng người Anh bảo thế là bình thường, nếu không thích thì đừng mua mà hãy ở nhà bật tivi lên và xem… V.League.
Lãnh đạo một nhà đài lớn bật mí, khả năng các đối tác sẽ mời gói bản quyền lên tới 70 triệu USD, hoặc cao hơn, là 100 triệu USD.
Nghĩa là muốn xem Ngoại hạng Anh 3 mùa thì bằng tổ chức cả cái… SEA Games.
Bộ Thông tin & Truyền thông đưa ra cảnh báo các nhà đài là phải đoàn kết, chống độc quyền và quan trọng là không mua bằng mọi giá. Tất nhiên khi nói “không mua bằng mọi giá” thì cũng cần xem mình… có tiền để mua không?
Vấn đề là nếu đặt trong bối cảnh bóng đá thì chưa chắc cái mức giá ngàn tỷ của Ngoại hạng Anh đã đắt. Bởi lẽ, ngay V.League, đầu tư lên tới vài trăm tỷ (theo mức 30 tỷ/CLB/năm) nhưng hóa ra là một sự lãng phí còn ghê gớm hơn bởi giá trị của nó gần tiến đến mức… phong trào.
Chả nhẽ cứ phải vì thắt lưng buộc bụng mà thằng Bờm cứ phải nhai “nắm xôi V.League” chăng?
Cũng giống việc yêu cầu CLB SLNA, Quế Ngọc Hải ra Hà Nội để trao đổi trước khi nghị án thì tiền vé máy bay (hoặc tàu hỏa, ô tô) không tốn kém bằng những chi phí vô hình tốn kém thời gian ì xèo suốt 2 tháng qua.