Đây là những dòng cảm xúc hết sức chân thật từ đáy lòng mà cô Quỳnh Anh nhớ lại khoảnh khắc vô cùng xúc động ở Thường Châu cách đây 1 năm:
"Không thể dối lòng. Tôi đã buồn và im lặng gặm nhấm nỗi buồn từ phút 119 của trận chung kết khốc liệt tối qua. Cơ hội đăng quang ngôi vô địch châu Á của chúng ta đã vụt tắt bởi một cú sút ghi bàn chớp nhoáng xuất thần của cầu thủ đội bạn ở giây phút cuối.
Dẫu vậy, không thể không thừa nhận dù chỉ là Á QUÂN, nhưng trong lòng người dân cả nước, U23 VIỆT NAM là NHÀ VÔ ĐỊCH, là CHAMPION. Tôi không muốn dùng những lời lẽ đẹp đẽ nào nữa để ca ngợi các chiến binh dũng cảm của chúng ta vì những ngôn từ đẹp nhất đã ngập tràn trên các trang báo và mạng xã hội và cũng vì bất lực khi biết rằng mình chả còn tìm được lời lẽ nào đẹp hơn để ngợi ca những người con vĩ đại của Tổ quốc, những người con đã quảng bá hình ảnh đất nước mình một cách hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất.
Cô Quỳnh Anh là một luật sư có tình yêu mãnh liệt với trái bóng tròn
Đã nhiều năm nay, tôi và không ít người đã quay lưng lại với bóng đá Việt Nam, không phải chỉ vì sự kém cỏi của các cầu thủ, mà nhiều hơn thế, là sự sa sút của cả một nền bóng đá, của cách làm bóng đá của VFF, sự sa sút về đạo đức và lệch lạc trong tư tưởng của nhiều người hoạt động trong lĩnh vực bóng đá. Với cách làm ăn xổi ở thì, vô vọng chạy theo thành tích hòng làm đẹp hình ảnh cá nhân như đã làm trong nhiều năm qua, nền bóng đá của chúng ta khó lòng trụ vững. May thay, bên cạnh nhiều cái yếu kém như vậy, chúng ta đã có những tấm lòng tràn trề tâm huyết và khát vọng cống hiến của những doanh nhân đúng nghĩa như các ông Đoàn Nguyên Đức, Trần Anh Tú, Nguyễn Đức Kiên... Họ là những người đáng được ghi danh trong lịch sử bóng đá nước nhà, những người đã lầm lũi cống hiến, dù có lúc phải chịu sự ghẻ lạnh ở đâu đó.
Và hôm nay, chúng ta đang dần thụ hưởng trái ngọt của những cống hiến thầm lặng đó. Những gì chúng ta đã chứng kiến suốt những ngày qua không phải là những phút bùng nổ nhất thời, mà là kết quả của sự đào tạo, dưỡng dục các cầu thủ từ khi họ còn rất bé trong những lò đào tạo của ông Đoàn Nguyễn Đức và các trung tâm khác tương tự như cách ông làm. Nghe Xuân Trường trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh, ngắm những gương mặt thật sáng của các cầu thủ U23,... tôi thực sự lạc quan. Các con giờ đây không chỉ là những chân sút thông thường, chỉ biết có đá bóng mà các con đã thể hiện mình là những cầu thủ đá bóng có văn hoá, có trí tuệ, các con đang dần hình thành một thế hệ cầu thủ đá bóng văn minh của Việt Nam.
Hình ảnh này sẽ mãi mãi đi vào trong trái tim những người yêu bóng đá Việt Nam
Đã lâu lắm rồi tôi mới có cái nhìn đẹp như thế về các cầu thủ bóng đá Việt Nam. Chỉ mong các con không bị những vòng hào quang ru ngủ mình. Các con hãy cố giữ những phẩm chất như thế, hồn nhiên và dũng cảm như thế, kỷ luật như thế, tính tập thể như thế, và nhất là đừng bị những cám dỗ vật chất và danh vọng tầm thường, những mỹ nhân thiếu chân thiện mê hoặc đến nỗi phải bán mình cho quỷ để rồi bị vấp ngã như những tài năng Văn Quyến, Lê Quốc Vượng,...
Và cuối cùng, tôi muốn nói vài điều với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các cơ quan hữu quan. Thực sự, chúng ta không thiếu tài năng bóng đá, vấn đề là chúng ta phải làm gì để phát hiện, bồi dưỡng và tạo cơ hội cho các tài năng đó phát triển. Những nhân tố như ông Đoàn Nguyên Đức cần được tôn vinh và nhân rộng (trừ những trường hợp chủ yếu lấy bóng đá phục vụ cho động cơ và mục đích cá nhân của mình hoặc chơi bóng đá theo ý thích bản năng). Vậy nên, xin các quý vị đừng chạy theo thành tích nhất thời mà hãy cố trồng đi, tưới đi, nhiệm kỳ nào hưởng trái ngọt cũng thế cả. Mà thực ra, nếu là những người chân chính, thiển nghĩ quý vị cũng chẳng quan tâm gì việc được ghi nhận hay không. Cứ cống hiến, cứ hết mình với một cái tâm trong sáng và cái tầm đáng nể là đủ. Thành quả tốt đẹp có được của một nền bóng đá chính là phần thưởng xứng đáng cho các quý vị rồi.
Làm được như thế tiếng nói của bóng đá Việt Nam sẽ không còn nhược tiểu. FIFA, AFC, hay tổ chức nào đi nữa rồi sẽ phải vị nể chúng ta. Và lúc đó những chiến binh của chúng ta chắc gì đã phải đá trong hoàn cảnh thời tiết như vậy. Hoàn cảnh khắc nghiệt hay tồi tệ có thể là chỗ cho các chiến binh trui rèn và chứng tỏ bản lĩnh. Nhưng xét cho cùng, bóng đá cũng chỉ là một môn thể thao giải trí, mà đã là giải trí thì có nhất thiết phải hành hạ, huỷ hoại sức khoẻ của các cầu thủ theo cách AFC đã làm không? Có phải bây giờ tuyết mới lần đầu rơi ở Thường Châu vào mùa này không?
Mọi người Việt Nam đang mong chờ sự lột xác thực sự bền vững của bóng đá Việt Nam.
Mong rằng cú sảy chân vĩ đại của các chiến binh quả cảm của chúng ta sẽ mở ra một chương mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Yêu các con vô cùng, Quang Hải, Xuân Trường, Dũng trung vệ, Dũng thủ môn, và toàn thể đội tuyển U23 anh hùng của chúng ta!
Cuối cùng là lời cảm ơn tự đáy lòng và sự biết ơn sâu sắc của tôi tới vị Huấn luyện viên trưởng - Ông Park Hang Seo. Cũng những nguyên liệu như thế, phương tiện như thế, thiếu một người đầu bếp giỏi, không thể có những món ăn tuyệt vời. Cảm ơn ông, người đã truyền cho những người con của chúng tôi nguồn cảm hứng lớn lao dến vậy. Suy cho cùng, chả có thành tựu nào có được không bắt nguồn từ cảm hứng.
Từ câu chuyện bóng đá, biết đâu mọi sự khác ở đất nước cũng chuyển mình theo.
Yêu lắm, TỔ QUỐC VIỆT NAM!