Ông Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ - người mà thời điểm đó rất được lòng các quan chức AFF chăng? Có thể. Ông PCT tài chính Lê Hùng Dũng - người đứng sau ông Hỷ nhưng luôn có tiếng nói mạnh mẽ, quyết định trong những vấn đề lớn của VFF chăng? Cũng có thể. Hay ông HLV trưởng Calisto - người mà cả một thế hệ cầu thủ gọi là “thầy” nhưng thực tâm lại luôn coi như một người cha lớn? Cũng có thể nốt.
À, hay là cái ông đã nghĩ ra một màn “độc” là phải lấy một tấm vải trắng che đi cái biển hiệu “SVĐ Mỹ Đình” và phải làm nhiều thủ tục xyz... ngoài chuyên môn khác để giải đen? Cũng được, nếu bạn là người tin...
Nhưng chính vì cái cảm giác “ai cũng được” mà xét cho cùng chức vô địch ấy chẳng có ai là minh chủ đúng nghĩa, minh chủ thực sự và ấn tượng. Thậm chí, nếu bảo chức vô địch ấy được đóng góp phần nhiều (không phải là tất cả) của may mắn và thời thế cũng chẳng sai. Nhưng, những chức vô địch là sản phẩm của may mắn và thời thế thường chỉ xảy ra rất ít, với xác suất vô cùng nhỏ.
Về cơ bản, mọi chức vô địch đều cần được kiến thiết bởi một minh chủ, mà nhìn vào những chức vô địch SEA Games và AFF Cup liên tiếp đây của bóng đá Thái Lan chúng ta càng hiểu rất rõ lý luận này.
Thế thì với chúng ta bây giờ, ai là minh chủ?
Khi nhiệm kỳ VII của VFF mới thành hình, Chủ tịch Lê Hùng Dũng lập tức đề ra chiến lược “Nhật hóa nền bóng đá” và cả nền bóng đá chạy theo ông Dũng thì chính ông Dũng đã là minh chủ. Một “minh chủ” dám nói và làm, tất nhiên chưa xét đến đúng sai. Nhưng đến giai đoạn hiện nay, khi ông Dũng ngày một nói ít hơn và xuất hiện ít hơn, trong khi PCT tài chính Đoàn Nguyên Đức lại nói nhiều và nói mạnh sau một thời gian dài im tiếng thì có lẽ vị thế minh chủ bắt đầu chuyển cực?
Ông Đức nói rất rõ về mục tiêu “HCV SEA Games” và dám đặt cược cả uy tín, danh dự của mình vào đấy khi dám tuyên bố: Làm theo cách của tôi, nếu vẫn không vô địch SEA Games thì gọi tôi là Đức “nổ”.
Từ ông Dũng đến ông Đức không khó nhìn ra cùng một mẫu số chung: Họ đều là những quan chức bóng đá mang màu sắc doanh nhân, chứ không phải những quan chức nhà nước như trước đó. Vì là doanh nhân nên cả hai đều không ngại nói khi cần nói, và một trong những vấn đề họ nói mạnh nhất chính là tiền. Trước đây ông Dũng từng bảo nếu trúng cử Chủ tịch VFF, mỗi năm có thể mang về trên dưới 300 tỷ đồng nhưng khi ông “trúng” rồi, đến tận lúc này, điều này vẫn chưa thành hiện thực.
Bây giờ thì ông Đức lại bảo, nếu sa thải HLV Miura và dùng quân HA.GL làm nòng cốt dự SEA Games, ông cũng có thể mang về những gói tài trợ giá cao. Giả dụ sa thải Miura rồi, gói tài trợ giá cao chưa thấy (đấy là giả dụ thôi nhé, chứ nếu sa thải một ông thầy chỉ vì “tiền” là quá bất nhẫn) thì ai là người chế tài những điều doanh nhân này cam kết?
Nó cũng giống ở V.League vừa rồi, ông Đức từng nói sẽ không bao giờ sa thải HLV Guillaume Graechen nhưng khi CLB đứng trên bờ vực thẳm, ông thầy người Pháp vẫn “lên đường” đó thôi, như là điều không khác được.
Cả một nền bóng đá khắc khoải một chiếc HCV SEA Games và về lý thuyết, để có HCV chúng ta phải có một minh chủ đủ cả Tâm lẫn Tầm. Thế mà hôm qua, bên tách cà phê sớm, tôi lại nghe một bạn đồng nghiệp nhắc lại chiến tích AFF Cup 2008 rồi “bình loạn”: Với thực trạng nát bét cùng sự xuất hiện “những nhóm lợi ích” của bóng đá xứ mình hiện nay, HCV chỉ có thể đến nhờ ăn may, nhờ thời thế cũng chưa biết chừng.
Tôi thì không tin như thế. Nói cho chính xác là cố không tin như thế (!).