Ở CLB SLNA hiện nay, ngân sách giữa đội 1 và đào tạo trẻ độc lập. Theo đó, gói 30 tỉ đồng/năm mà NH Bắc Á đầu tư được thống nhất giành toàn bộ cho đội 1. Riêng đào tạo trẻ, UBND tỉnh vẫn phải “nuôi” với số tiền 20 tỉ đồng/năm.
“Lò” Sông Lam cực kỳ bài bản, với hệ thông các lớp từ U.10 đến U.21, chưa kể “chân rết” ở các huyện, thị xã nên mức đầu tư 20 tỉ đồng/năm là chưa đáp ứng được yêu cầu với một “lò” đào tạo bóng đá luôn đặt mục tiêu số 1 Việt Nam. Thực tế cũng chứng minh, “lò” Sông Lam thời gian gần đây liên tục bị qua mặt ở các giải trẻ quốc gia mà điển hình là việc trắng tay tại mùa giải 2015.
Đó là vấn đế làm đau đáu đối với phần đa CĐV xứ Nghệ, nhất là khi mùa giải trẻ 2016 bắt đầu bằng thất bại đau đớn của U.19 SLNA. Không qua được vòng loại chỉ là một phần, nỗi đau còn nằm ở cách mà thầy trò HLV Nguyễn Quang Hải thất bại, khi 12 trận, họ chỉ có được 1 chiến thắng duy nhất.
Nguy cơ tụt hậu là đáng báo động và SLNA đã phải trình ý kiến về việc xin tằng nguồn ngân sách cho đào tạo trẻ. Trước yêu cầu thực tế của việc phát triển, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý hỗ trợ thêm 5 tỉ đồng/năm. Như vậy, kể từ năm 2016, ngân sách tỉnh Nghệ An “rót” cho công tác đào tạo trẻ là 25 tỉ đồng, chỉ còn thua đội 1 đúng 5 tỉ đồng.
5 tỉ đồng được rót thêm có thể không giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là khi các trung tâm đào tạo trẻ như PVF, Viettel, HN.T&T…hàng năm được đầu tư số tiền gấp nhiều lần thế này. Nhưng ít ra, nó cũng là động lực, nguồn động viên trong bối cảnh, “lò” Sông Lam đang chịu nhiều áp lực về thành tích như lúc này.
Lâm Vũ